Tiền bạc là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến những mâu thuẫn bất hòa trong mối quan hệ vợ chồng, thậm chí nó được coi là một trong số nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn.
Những căng thẳng về tài chính có sức tàn phá hủy hoại bất kỳ mối quan hệ nào, kể cả đó là vợ chồng.
Tôi thấy nhiều chị em tám với nhau rằng, họ tìm đủ mọi cách để moi tiền chồng nhưng cuối cùng cũng phải bất lực. Để rồi cuối cùng là phàn nàn, trách móc và cãi nhau. Cãi nhau về đủ thứ chuyện nhưng chung quy lý do sâu xa vẫn là vì tiền.
Có ý kiến cho rằng, vợ dại chỉ biết nói thẳng, bảo chồng làm, nộp tiền, không nhậu,... Dù không có ý đồ xấu nhưng thái độ như vậy sẽ khiến đàn ông cảm thấy như đang bị vợ ra lệnh, ngồi trên đầu, hắt hủi công sức chồng bỏ ra. Khi ấy, chồng sẽ thấy chán, thấy thiếu quan tâm, thậm chí trở nên lạnh nhạt với vợ.
Ảnh minh họa.
Cũng có người bày chị em "moi" tiền chồng theo cách của "vợ khôn": Vợ khôn không cần nói mà biết đợi "thời cơ" khi chồng say xỉn, pha nước chanh cho chồng rồi âm thầm lấy ví. Khi chồng tỉnh dậy nếu có hỏi, chị em có thể bông đùa: "Em cất ví đấy, lấy bớt vài đồng mua canh khuấy nước cho chồng yêu!”. Chẳng chồng nào có thể mắng người vợ "moi tiền" chỉ vì chăm lo cho chồng cả, biết đâu vợ còn được bo thêm.
Còn tôi, tôi nghĩ rằng, cách trên thì chỉ "mót" được ít tiền lẻ của chồng mà thôi. Để tài chính gia đình thực sự vững mạnh, vợ chồng đồng lòng đồng sức "thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn" thì cần phải thực hiện những nguyên tắc sau:
1. Nói về tài chính với nhau
Nhiều cặp vợ chồng thường né tránh nói chuyện vơí nhau về tài chính, trong khi đó đây là một vấn đề lớn, một vấn đề hết sức quan trọng đối với bất kỳ gia đình nào.
Hai vợ chồng ai cũng có nhu cầu cần tiền và tiêu tiền và kiếm tiền. Tiền ảnh hưởng đến cả hai bạn. Ngay cả khi một người phối ngẫu chịu trách nhiệm thanh toán tất cả mọi chi phí thì bạn vẫn cần phải thảo luận về tài chính với anh ấy.
Hãy nói với anh ấy: "Anh ơi, anh có muốn ngồi lại với em khi em làm tài chính trong tháng này để chúng ta có thể cùng nhau thiết lập một số mục tiêu không?”.
2. Đừng ngại bắt đầu cuộc trò chuyện tiền bạc
Mỗi cặp vợ chồng có khả năng khác nhau và có vai trò khác nhau trong gia đình. Nếu chồng bạn là người chăm sóc tài chính, anh ấy có thể nghĩ rằng bạn không quan tâm đến việc thảo luận về tiền nếu bạn không bao giờ đề cập đến.
Bởi vậy bạn cần đặt vấn đề tiền bạc vợ chồng ngay từ đầu, thậm chí đề cập ngay trước khi cưới. Đừng bao giờ để xẩy ra vấn đề tài chính thì khi đó bạn mới bàn đến. Hãy lợp lại mái nhà của bạn trước khi trận mưa xảy ra thì luôn luôn là cách tốt nhất.
3. Hãy trung thực!
Cần phải luôn trung thực về vấn đề tài chính với chồng. Cho dù bạn đang che giấu việc mua hàng mà bạn cảm thấy có lỗi, không thừa nhận một khoản nợ mà bạn có hoặc giấu tiền vì chồng của bạn sẽ tiêu nó...như vậy là bạn đang không trung thực.
Khi bạn không trung thực, bạn sẽ cảm thấy có lỗi. Khi bạn cảm thấy tội lỗi, bạn sẽ phòng thủ. Nếu bạn phải phòng thủ thì tình cảm vợ chồng bạn sẽ bị chia rẽ. Sự trung thực là rất quan trọng để cải thiện giao tiếp tài chính giữa hai vợ chồng.
4. Làm việc hướng tới mục tiêu cùng nhau
Không có cách nào tốt hơn là bạn và chồng bạn cùng hướng tới một mục tiêu chung, đặc biệt là mục tiêu tài chính. Vợ chồng đạt được các mục tiêu cùng nhau được coi như đạt trình độ cao nhất trong giao tiếp.