(GD&TĐ) - Năm 2013, còn khoảng 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Một số mục tiêu ban đầu chính sách BHYT đề ra không đạt, hoặc khó thực hiện như đảm bảo công bằng thụ hưởng của người dân, quản lý quỹ, chính sách đồng chi trả…
Con số này vừa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đưa ra tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về kết quả thực hiện Luật BHYT.
Theo lộ trình, đến năm 2014 sẽ thực hiện BHYT toàn dân. Sau 3 năm thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt khoảng 69% dân số với hầu hết các nhóm đối tượng đã tham gia. Trong đó các nhóm đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo, người lao động hưởng lương ngân sách, quân đội… tham gia BHYT với tỷ lệ rất cao. Việc quản lý thu chi quỹ BHYT từng bước được cải tiến, quy trình kiểm soát chặt chẽ cùng với tăng mức đóng theo lương cơ bản khiến nguồn thu BHYT tăng mạnh, tính hết năm 2012, quỹ BHYT đã có kết dư trên 12.000 tỷ đồng, đó là chưa kể nhiều ngàn tỷ đồng trả nợ cho bội chi những năm trước đó. Nguồn thu từ BHYT đã đóng góp được khoảng 80% tổng kinh phí phục vụ KCB tại các bệnh viện, góp phần nâng chất lượng KCB người dân.
Người dân chờ nhận thuốc BHYT |
Tuy nhiên, với khoảng 30% dân số chưa tham gia BHYT, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014 sẽ khó khả thi. Hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện luật chưa tốt, người dân chưa dễ tiếp cận để mua BHYT tự nguyện, chưa thuận lợi khi KCB và thụ hưởng quyền lợi BHYT. Đặc biệt việc phát triển, mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân gặp nhiều khó khăn đối với các đối tượng tự nguyện, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người lao động tự do.
Để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Cụ thể sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo hướng đảm bảo nguyên tắc cộng đồng, chia sẻ và công bằng trong KCB BHYT. Có chính sách bắt buộc tham gia BHYT; mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng tham gia BHYT, như đối với các hộ nghèo được cấp thẻ BHYT, Nhà nước nên bỏ quy định đồng chi trả 5% (người nghèo phải trả 5%), vì thực tế rất nhiều trường hợp không thể đóng được khoản tiền này.
BHXH Việt Nam cũng đề xuất việc giao quyền thanh tra xử phạt sai phạm quản lý, lạm dụng quỹ BHYT cho Cơ quan BHXH và cho thành lập phòng quản lý BHYT ở các địa phương để cho cấp chính quyền thực hiện chính sách BHYT. Có chế tài quy định cụ thể về việc thực hiện minh bạch, công khai những thông tin liên quan đến thu và chi quỹ BHYT. Nhà nước cần có chính sách phát triển thuốc chữa bệnh trong nước đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho người dân, thuốc nội với yếu tố giá rẻ, đảm bảo chất lượng là yếu tố quan trọng góp phần bình ổn quỹ BHYT, giảm chi cho người bệnh. Sớm có giải pháp quản lý giá đối thị trường thuốc nhập ngoại.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên lưu ý, với lượng tiền kết dư quỹ BHYT lên đến 12.000 tỷ đồng thì phải tăng cường đầu tư phát triển y tế. Nơi nào kết dư nhiều thì được hưởng nhiều để địa phương ấy đầu tư cho cơ sở vật chất y tế nơi đó, đó là đảm bảo công bằng. Bên cạnh đó, việc các bộ, ngành chức năng tìm mọi cách để mở rộng diện bao phủ BHYT một cách cơ học, kiểu xin - cho, bằng cách tăng dần số nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách, chứ chưa tìm cách mời gọi và tăng tính hấp dẫn của BHYT.
Phương Anh