Hỗ trợ tối đa cho giáo viên
Năm học 2012 - 2013, Trường THCS Vĩnh Tường được Sở GD&ĐT chọn là đơn vị dạy chương trình Tiếng Anh thí điểm theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và là một trong ba trường của tỉnh được chọn xây dựng đơn vị điển hình về dạy và học ngoại ngữ.
Thầy Đinh Tiến Hoa chia sẻ: Cũng như các đơn vị xây dựng điển hình dạy học ngoại ngữ khác, bước đầu nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ.
Song được sự chỉ đạo giúp đỡ về chuyên môn của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; sự quan tâm ủng hộ của UBND huyện, đặc biệt sự quyết tâm cao của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; nhà trường nhanh chóng bắt tay vào cuộc; bắt đầu là sự nắm bắt về chương trình, mục tiêu đầu ra của chương trình đề án: Học sinh được chú trọng phát triển các kỹ năng nghe, nói, và khả năng tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Vì vậy, nhà trường đã xác định rõ 3 vấn đề then chốt quyết định sự thành công của chương trình Đề án, đó là: Công tác bồi dưỡng đội ngũ; công tác tuyên truyền và tuyển chọn học sinh; tổ chức nhiều hình thức học tập đa dạng, phong phú trong và ngoài trường.
Từ việc xác định mục tiêu trên, Ban Giám hiệu Trường THCS Vĩnh Tường đã lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các hoạt động quan trọng.
Theo đó, nội dung được ưu tiên nhất là tập trung bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy học ngoại ngữ, yêu cầu giáo viên dạy Tiếng Anh tại các lớp học chương trình thí điểm phải đạt chuẩn bậc 4 (B2).
"Để đạt được điều đó, nhà trường sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, hỗ trợ kinh phí để giáo viên yên tâm học tập" - thầy Đinh Tiến cho cho hay.
Công tác tự bồi dưỡng tại trường thông qua việc tổ chức các chuyên đề trao đổi kinh nghiệm cho giáo viên cốt cán xây dựng kết hoạch bồi dưỡng, tổ chức kiểm tra kỹ năng nghe, nói của giáo viên, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cũng được chú trọng.
Cùng với đó, khuyến khích giáo viên Tiếng Anh ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm dạy học vào giảng dạy; đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học mà ở đó giáo viên tập trung phân tích các vấn đề liên quan tới người học.
"Để có học sinh đạt chất lượng, nhà trường đặc biệt chú ý đến công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh và tuyển sinh đầu vào.
Theo đó, chỉ những học sinh đã học chương trình 4 tiết Tiếng Anh trên tuần ở tiểu học mới đủ điều kiện theo học chương trình Tiếng Anh thí điểm.
Với những học sinh học 2 tiết trên tuần ở tiểu học nếu có nhu cầu có thể đăng kí tham gia bài kiểm tra kiến thức do Sở GD&ĐT tổ chức. Ngay năm học đầu tiên triển khai, nhà trường đã có 3 lớp đủ điều kiện theo học" - thầy Đinh Tiến Hoa chia sẻ thêm.
Xây dựng cộng đồng học ngoại ngữ
Để học sinh bắt kịp với chương trình mới, theo thầy Đinh Tiến Hoa, nhà trường tổ chức tăng tiết dạy môn Tiếng Anh tại các lớp thí điểm. Theo đó, tăng từ 2-3 tiết/tuần, trong đó có ít nhất 1 tiết giáo viên tập trung dạy kỹ năng nghe và nói.
Trong những giờ học môn Tiếng Anh, mỗi giáo viên phải đưa ra các phương pháp học khác nhau, tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách khoa học và có hiệu quả, giáo viên phân chia học sinh theo nhóm, mỗi nhóm có một nhóm trưởng đứng đầu và được thay đổi luân phiên.
Không chỉ học tập trên lớp, trường luôn chú trọng xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ ở trường và xác định đây là khâu quan trọng nhằm nâng cao khả năng nghe-nói tiếng Anh và giúp học sinh tự tin hơn.
Cứ từ 1 đến 2 tháng, một buổi ngoại khóa tại hội trường riêng lại được tổ chức. Hình thức ngoại khóa cũng rất phong phú, như thi hùng biện tiếng Anh, thi hát, kể chuyện bằng tiếng Anh…
Ngoài ra, hàng năm, vào dịp đầu năm học, nhà trường phối kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức cho học sinh đi tham quan các địa điểm có nhiều người nước ngoài như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng dân tộc học để các em có cơ hội và tự tin hơn khi giao tiếp với những người bản xứ.
Trong ba năm học qua, nhà trường còn mời giáo viên bản xứ về giao lưu và tham gia giảng dạy cho các lớp; tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình tiếp thu kiến thức.
"Với cách làm trên, kết quả bộ môn Tiếng Anh của Trường THCS Vĩnh Tường bước đầu đã có những thay đổi tích cực. Tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi hàng năm ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đạt từ 80 - 90%. Học sinh có khả năng giao tiếp tự tin hơn những học sinh ở các lớp đang theo học chương trình hiện hành.
Trong hội thi hùng biện tiếng Anh do Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tổ chức, 100% học sinh lọt vào vòng chung kết là học sinh đang học chương trình tiếng Anh thí điểm.
Phong trào thi đua học tập trong nhà trường với bộ môn Tiếng Anh ngày càng trở nên sôi nổi. Ngày càng có nhiệu phụ huynh đăng ký xin cho con em được tham gia tuyển vào lớp học chương trình này" - thầy Đinh Tiến Hoa cho biết
Thầy Đinh Tiến Hoa