Ba câu hỏi cụ thể như sau:
1. Giả sử bạn có 100 USD trong tài khoản tiết kiệm, lãi suất 2%/ năm. Sau 5 năm, bạn nghĩ bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản?
A) Nhiều hơn 102 USD; B) chính xác 102 USD; C) ít hơn 102 USD; D) không biết/từ chối trả lời
2. Hãy tưởng tượng rằng lãi suất tiền tiết kiệm của bạn là 1%/năm và tỷ lệ lạm phát là 2%/ năm. Sau 1 năm, bạn có thể mua sắm:
A) Nhiều hơn, B) tương đương, C) ít hơn ngày hôm nay với số tiền trong tài khoản trên? D) không biết/từ chối trả lời.
3. Theo bạn phát biểu sau đây là đúng hay sai? "Mua cổ phiếu của một công ty duy nhất an toàn hơn là mua cổ phiếu của một quỹ tương hỗ (mutual fund) - một loại phương tiện đầu tư tập thể được quản lý chuyên nghiệp)".
A) Đúng; B) sai; C) không biết/từ chối trả lời.
Câu trả lời của bạn là gì? Bạn có trả lời đúng cả ba câu đố này hay không? Nếu đúng, bạn sẽ thuộc về nhóm thiểu số trên toàn cầu, theo những phát hiện do hai nhà kinh tế học Annamaria Lusardi và Olivia Mitchell công bố.
Ở Nga, 96% những người được khảo sát không thể trả lời đúng 3 câu. Trong khi đó, 70% người Mỹ không thể trả lời một cách chính xác ba câu hỏi này. Người Đức có kết quả giải đố tốt nhất với 53% đạt điểm tuyệt đối, tỷ lệ này với người Thụy Sĩ là 50%.
Ở các nước có nền kinh tế khá mạnh, tỷ lệ khá thảm hại: 79% người Thụy Điển, 75% người Ý, 73% người Nhật và 69% người Pháp không thể trả lời đúng cả 3 câu đố.
Điều này lý giải tại sao thế giới liên tục gặp rất nhiều vấn đề về tài chính. Chúng ta thậm chí còn không hiểu cấu trúc vận hành của hệ thống tiền tệ và cách chúng được sử dụng.
Thế giới đang rất cần sự giáo dục tốt hơn về chủ đề tiền bạc, tài chính và kinh tế. Tuy không thể giải quyết hoàn toàn các vấn đề về tài chính của chúng ta, nhưng thông tin thực sự là sức mạnh trong vấn đề tiền bạc. Không may là trong các trường học chúng ta không được đào tạo cơ bản về tài chính.