27% học sinh Áo phải học thêm

27% học sinh Áo phải học thêm

(GD&TĐ) - Theo cuộc thăm dò ý kiến phụ huynh trong cả nước thì 27% HS ở Áo phải học thêm. Một phần ba học tại lò học thêm, một phần ba học tại lớp học thêm của chính GV. Mỗi năm một gia đình phải chi trung bình tới 670 euro cho một đứa con học thêm.

Hệ thống nhà trường lạc hậu

Hai vị phụ huynh với tấm biển “Cha mẹ HS vùng Kaernten tốn 7 triệu euro cho con học thêm”
Hai vị phụ huynh với tấm biển “Cha mẹ HS vùng Kaernten tốn 7 triệu euro cho con học thêm” 
 

Nguyên nhân nằm ở một hệ thống nhà trường đã lạc hậu, phương pháp giảng dạy lỗi thời, cũng như thiếu những biện pháp khuyến khích học tập phù hợp. Từ vài chục năm nay những người làm chính sách giáo dục tìm cách khắc phục, nhưng các chương trình cải cách đều thất bại. Trong khi phụ huynh và HS ngày càng mệt mỏi hơn, thì có những người ngang nhiên kiếm lời từ tình trạng yếu kém này.

Người thắng trong “cuộc chiến” này lại chính là GV – những người vừa góp phần gây ra, vừa phải gánh chịu tình trạng đó. Theo kết quả thăm dò dư luận phụ huynh thì ít nhất một phần ba khối lượng học thêm do chính GV thực hiện, nên có thể kết luận rằng, một nhóm GV làm giàu bằng công việc, mà lẽ ra họ phải làm trong giờ giảng trên lớp.

GV Niki Glattauer bộc bạch: “Tôi biết những đồng nghiệp vẫn bình thản khi rất nhiều HS trong lớp họ học kém, nhưng chiều họ lại đi dạy thêm ở chỗ khác. Lẽ ra họ phải cố gắng dạy dỗ chính HS của mình chứ!”. Tuy vậy, bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Claudia Schmied vẫn nhấn mạnh bà “không chịu trách nhiệm về tình trạng làm chui, cũng như bà không nghĩ đến việc kiểm tra GV làm gì trong thời gian riêng của họ cả”.

Đại diện công đoàn GV Paul Kimberger thừa nhận: “Tôi không thể bảo đảm cho tất cả các đồng nghiệp. Đúng là có nhiều người làm quá ít trong giờ giảng, nhưng lại rất tích cực dạy thêm. Nhưng ngược lại cũng có không ít GV gương mẫu. Tôi đề nghị phải có kỳ thi riêng tuyển đầu vào ngành sư phạm, để chỉ những ai thực sự phù hợp mới được vào học”. Ông cũng đề nghị phải hỗ trợ GV nhiều hơn: “Tôi đồng ý là cần phải chăm sóc, dạy dỗ từng HS, nhưng cũng phải có điều kiện để GV làm được điều đó. Người ta không thể chất mọi vấn đề lên lưng GV được”.

Một ngành kinh tế thực thụ

HS Áo đang phải chịu áp lực học thêm
HS Áo đang phải chịu áp lực học thêm
 

Đã từ lâu dạy thêm trở thành một ngành kinh tế thực thụ. Mỗi năm GV dạy thêm và các lò dạy thêm thu nhập ước tính 107 triệu euro (tương đương gần 3.000 tỷ đồng). Theo các chuyên gia, con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Giá cả học thêm rất khác nhau, tùy theo người dạy thêm và lò dạy thêm, nhưng trung bình khoảng 15 euro một giờ. Sinh viên dạy thêm trong các lò chỉ nhận được khoảng 10 euro, trong khi giá của “thợ dạy thêm chuyên nghiệp” là 25 euro một giờ. Giá cả còn phụ thuộc vào dịch vụ dạy thêm cho một nhóm hay cho từng HS, dạy thêm bình thường hay cấp tốc (phục vụ thi cử).

Nhà trường phải dạy học sinh cách học

- Mỗi năm một gia đình ở Áo chi cho 1 đứa con học thêm: khoảng 18 triệu đồng

- Doanh thu hàng năm của GV dạy thêm và lò dạy thêm: xấp xỉ 3.000 tỷ đồng!

89% phụ huynh yêu cầu là đã đến lúc GV phải kiến tạo giờ học trên lớp sao cho con cái họ thực sự hiểu được bài giảng. Theo kết quả điều tra của Viện Tâm lý giáo dục Viên thì nhiều HS nói là trong lớp không dám hỏi GV, vì GV còn phải “chạy” để bảo đảm chương trình. HS còn kêu ca về phương pháp giảng dạy đã lỗi thời, nặng về thuyết trình, chỉ dội từ bục giảng xuống lớp và mong muốn những phương pháp dạy và học mới trên lớp.

Chương trình đào tạo GV trong các trường sư phạm cần phải đặc biệt đi sâu vào những phương pháp giảng dạy hiện đại. Bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Claudia Schmied hứa là trong tương lai sẽ siết lại những tiêu chí tiếp nhận sinh viên vào học ngành sư phạm: “Chỉ những ai phù hợp và say mê nghề nhà giáo mới nên theo nghề này”.

Theo ông Felix Wagner, Đại diện Hiệp hội Trường phổ thông, trong tương lai, trước hết HS phải “học cách học”, vì theo ông có quá ít HS có thể tự tháo gỡ khó khăn trong học tập: “Một đứa trẻ học được cách học đúng sẽ không cần phải học thêm. Đứa trẻ đó có thể dựa trên sách vở tự học kiến thức và chỉ cần người khác để trả lời câu hỏi thôi”.

Nhà trường hiện nay không đặt trọng tâm vào sự hiểu bài, mà chủ yếu “gõ” nội dung, chi tiết riêng rẽ vào đầu HS – những nội dung chỉ được lưu lại trong trí nhớ tạm thời và nhanh chóng mất đi. Nhà tâm lý sư phạm Katharina Turecek giải thích: “Bộ não của chúng ta không hoạt động như một ổ cứng với những ô riêng rẽ cho từng môn học. Chu trình học tập xuất hiện khi các kết nối (giữa các nội dung, chi tiết cụ thể) xuất hiện trong não. Những kết nối đó sẽ trở nên bền vững khi luôn luôn được kích thích và đưa ra vận dụng trong những điều kiện khác nhau”.

Tình trạng giảng dạy không chú tâm đến tính bền vững của nội dung bài giảng và sự hiểu bài của HS được thể hiện rõ nhất trong các môn Toán, Ngoại ngữ và Văn – 3 môn đầu bảng trong số các môn HS học thêm nhiều nhất.

GS Hans Humenberger phụ trách nhóm nghiên cứu phương pháp giảng dạy môn Toán ĐH Viên, nhận xét: “HS học thêm thường không muốn hiểu bài, mà chỉ muốn học thuộc từng kiểu bài. Khi gặp kiểu bài tuy đã học, nhưng bị thay đổi chút ít là các em bó tay”.

Thầy Wolfgang Steindl - GV một trường PTCS - phê phán là khối lượng nội dung giảng dạy ngày càng nhiều lên, trong khi số lượng giờ giảng còn bị rút đi. Trong năm học 2011-2012 vừa qua ông đã phải mục kích tình trạng HS khi vào học giờ tiếp theo đã quên hết những gì thầy giảng trong giờ trước đó.

Trào lưu chung: Ai cũng muốn con cái học ĐH

So với những năm 80 của thế kỷ trước, số lượng SV ĐH nay đã tăng gấp 3 lần. Tất cả đều muốn học ĐH, vì thế cha mẹ HS thúc đẩy con cái vào bằng được các trường THPT hệ 12 năm (vào thẳng ĐH), bất kể con cái có học được không. Trong khi đó, nền kinh tế đang rất thiếu công nhân kỹ thuật, thợ thủ công có tay nghề. Nhưng ngày nay, những nghề nghiệp đó không còn được coi trọng nữa. Chính vì thế, con trẻ mới 10 tuổi đã chịu sức ép phải kết thúc tiểu học thật tốt, để vào bằng được một trường THPT hệ 12 năm. Để đạt được mục tiêu đó, cha mẹ HS sẵn sàng làm tất cả kể cả buộc con học thêm.

Tại một số nước khác tình trạng học thêm còn bộc lộ rõ rệt hơn. Ở Trung Quốc và Pháp rất nhiều HS học thêm, mặc dù có điểm số rất tốt. Ông Mark Bray - Chuyên gia GD quốc tế của ĐH Hongkong - giải thích tình trạng đó: “Học thêm chỉ theo đuổi mục đích bảo đảm vị thế  ưu việt của tầng lớp khá giả trong xã hội”.

Trong khi đó, hệ thống nhà trường phổ thông các nước Bắc Âu, HS không cần tốn nhiều tiền học thêm vẫn đạt được thành tích cao. Hầu như HS các nước này không học thêm. Tại đó HS yếu kém được những GV chuyên trách chăm sóc. Họ là những người được tập huấn riêng, biết cách phân tích, tìm hiểu chính xác nguyên nhân của từng trường hợp.

Ý kiến

- Học sinh: Nên áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến.

- Phụ huynh:  Phải kiến tạo giờ giảng sao cho HS thực sự hiểu được bài giảng.

- GV: Không thể chất mọi vấn đề lên lưng GV được.

- Chuyên gia sư phạm: Nhà trường phải dạy HS cách học.

- Bộ trưởng Bộ GD hứa siết lại tiêu chí tuyển SV sư phạm.

Hùng Phan  (Tổng hợp từ báo Áo)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ