Lấy máu để xét nghiệm virus viêm gan B và C. Ảnh minh họa |
Tại lễ phát động Ngày Viêm gan thế giới với chủ đề “Phòng ngừa bệnh viêm gan: Tất cả tùy thuộc vào bạn!” diễn ra ngày 28/7, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cho biết, Việt Nam là một trong 9 quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan cao.
Hiện, cả nước có hơn 20 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C, trong đó khoảng 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Chỉ tính riêng ung thư gan đã gây tử vong khoảng 22.000 người mỗi năm.
Trên thế giới, theo báo cáo của WHO, hằng năm có khoảng 500.000-700.000 người tử vong vì hậu quả của nhiễm virus viêm gan B như xơ gan và ung thư gan.
Các chuyên gia y tế ví bệnh viêm gan B và viêm gan C là hai “sát thủ thầm lặng”. “Hai loại virus này chủ yếu lây lan qua đường máu và tấn công lá gan. Viêm gan B mạn và viêm gan C mạn là hai nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan”, ông Nguyễn Văn Kính cho biết.
Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh
Bệnh viêm gan B diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt. 90% trường hợp mắc viêm gan B không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
Tương tự, có đến 90% tỉ lệ người mắc viêm gan C cũng không có biểu hiện lâm sàng, chỉ có tế bào gan bị tổn thương âm thầm, trong đó có hơn 50% trường hợp sẽ chuyển thành xơ gan và ung thư.
Dù không có triệu chứng, nhưng theo các chuyên gia y tế, chúng ta vẫn có thể phát hiện bệnh viêm gan B và C giai đoạn sớm để kịp thời điều trị bệnh, đó là khám sức khỏe định kỳ.
Nếu phát hiện nhiễm virus, bệnh nhân nên đến các cơ sở chuyên khoa tiêu hóa, gan, mật để được xác định chính xác thể bệnh và được tư vấn để có chế độ theo dõi và điều trị thuốc phù hợp, đúng thời điểm, tránh diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan.
Biện pháp tối ưu nhất phòng bệnh viêm gan B là tiêm vaccine cho trẻ ngay trong 24h sau sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện đầu ngành, các nhà chuyên môn xây dựng phác đồ điều trị về viêm gan, trong đó có viêm gan C và viêm gan B. Hướng dẫn này đã tập huấn cho tất cả các cán bộ chuyên môn trong toàn quốc.
Hiện nay, các thuốc điều trị viêm gan B, C và các dạng viêm gan nói chung đã được bảo hiểm y tế thanh toán một phần. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh viêm gan B, C thường phải điều trị lâu dài, kiên trì và tốn kém, do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan B, C phải điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Trong tháng hành động, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ tổ chức khám, tư vấn, xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan C miễn phí cho 1.000 người tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện.
Hưởng ứng Ngày Viêm gan thế giới, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cũng đã khai trương phòng khám tư vấn viêm gan.
Phòng khám sẽ làm việc từ ngày 28/7, buổi sáng từ 7h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h30 đến 16h30 các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6.
Riêng trong tháng hành động, 1.000 bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao (có người trong gia đình bị nhiễm virus viêm gan B, C; những người có tiền sử tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn; chạy thận nhân tạo chu kỳ; nhân viên y tế, những người trực tiếp chăm sóc người bệnh) sẽ được miễn phí xét nghiệm sàng lọc viêm gan C tại Khoa Truyền nhiễm.