2019 – Cả thế giới “lo” chống biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Học sinh nghỉ để đình công, biểu tình nổ ra liên tiếp khiến trung tâm các thành phố rơi vào tình trạng tắc nghẽn… Đây là những hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong năm 2019, khi các nhà khoa học đưa ra những cảnh báo đầy thảm khốc về tình trạng khí hậu trên thế giới.

Thảm họa xảy ra ở nhiều quốc gia trong năm 2019
Thảm họa xảy ra ở nhiều quốc gia trong năm 2019

Những con số đáng báo động

Được truyền cảm hứng từ nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, hàng triệu thanh niên đã tham gia các cuộc biểu tình hằng tuần, nhằm kêu gọi chính phủ các quốc gia có hành động chống biến đổi khí hậu.

Và, các nhóm biểu tình “Extinction Rebellion” bắt đầu chiến dịch lan rộng khắp thế giới, cùng với phương châm: “Khi hy vọng chết, hành động bắt đầu”.

Suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học từng không ít lần cảnh báo về nguy cơ từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch không được kiểm soát đối với nhân loại và Trái đất. Tuy nhiên, năm 2019 được cho là một dấu mốc, khi thông điệp của các nhà khoa học đã được truyền tải thành công tới mọi người.

Hiệp định Paris năm 2015 đã chứng kiến các quốc gia cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C so với kỷ nguyên trước công nghiệp. Đây được coi là một trong những nỗ lực nhằm hạn chế những tác động tồi tệ nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trước bối cảnh Trái đất đang nóng hơn 1 độ C, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra một thông báo đầy bất ngờ vào cuối năm ngoái. Báo cáo được IPCC công bố hồi tháng 10/2018 cho thấy, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,5 độ C. Con số này được coi là nguyên nhân khiến làn sóng biểu tình chống biến đổi khí hậu trong năm 2019 trở nên bùng nổ.

Bà Corinne Le Quere - Chủ tịch Cao ủy về Biến đổi khí hậu Pháp và là thành viên của Ủy ban về Biến đổi khí hậu Anh, nhận định, năm 2019 là “một thứ gì đó mới mẻ”. “Tôi đã làm việc về biến đổi khí hậu trong 30 năm và 29 năm trong số đó là với tư cách nhà khoa học. Chúng tôi đã làm việc mà không được chú ý”, bà Corinne Le Quere chia sẻ.

Cũng theo báo cáo của IPCC, lượng khí thải CO2 toàn cầu phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt “phát thải bằng 0” vào năm 2050. “Báo cáo đã cho chúng ta một mốc thời gian rõ ràng: Chúng ta có 12 năm để hành động”, Caroline Merner (24 tuổi), một công dân Canada và là thành viên của phong trào Youth4Climate, cho biết.

Tháng trước, Liên Hợp Quốc tuyên bố, lượng khí thải carbon phải giảm 7,6%/năm cho tới năm 2030, nhằm có cơ hội giúp nhiệt độ toàn cầu chỉ nóng lên ở mức 1,5 độ C. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định, lượng khí thải trong năm nay sẽ tăng 0,6%.

Mặc dù nhận thức của các cá nhân ngày càng tăng, nhưng tại COP25 - Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ở Madrid trong tháng này - được cho là hầu như không đạt được kết quả đáng kể trong kế hoạch chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Nhận thức từ cá nhân là chưa đủ

Trong bối cảnh toàn xã hội và thế hệ người trẻ dường như thức tỉnh trước mối đe dọa của thảm họa khí hậu, ngành công nghiệp hầu như có rất ít dấu hiệu chung tay bảo vệ Trái đất.

Phát thải khí nhà kính được dự báo sẽ tiếp tục tăng vào năm 2019 sau khi chạm ngưỡng kỷ lục vào năm 2018, các thảm họa thiên nhiên xuất hiện ở nhiều quốc gia trong năm 2019: Bão Idai ở Mozambique, bão Hagibis ở Nhật Bản, những đợt nắng nóng kinh hoàng trên khắp châu Âu, cháy rừng ở California và miền Đông Australia, lũ lụt ở Venice...

Mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra đã trở nên nghiêm trọng trong năm 2019 đến nỗi, Indonesia - một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên Trái đất, đã quyết định chuyển thủ đô đến một địa điểm khác. “Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi khí hậu bằng chính đôi mắt của mình. Thực tế đang buộc chúng ta phải hành động”, bà Le Quere nói.

Trong năm nay, IPCC đã công bố 2 báo cáo về sử dụng đất và đại dương. Ngoài ra, một cơ quan khác của Liên Hợp Quốc - Diễn đàn Khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) cũng đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa từ hoạt động của con người đối với thế giới tự nhiên.

Các nhà lãnh đạo “vào cuộc”

Đối mặt với những “con số biết nói” cũng như áp lực lớn từ các cuộc biểu tình kêu gọi chống biến đổi khí hậu, chính phủ các nước trên thế giới đã bắt đầu có những biện pháp bảo vệ môi trường. Theo đó, có 66 quốc gia hiện có kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2050. Các thành phố London (Anh) và Paris (Pháp) cũng chính thức ban hành tình trạng khẩn cấp về sinh thái và khí hậu.

Tuy nhiên, không ít người bày tỏ lo ngại rằng, tiến trình này có thể sẽ sớm bị suy yếu, khi các nền kinh tế đang phát triển dường như không có ý định ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Ông Alfredo Jornet, giáo sư tại Trường Đại học Oslo (Na Uy) cho biết, người dân bản địa “đã rất tích cực một thời gian dài” trong việc phản đối sự thay đổi khí hậu và nạn phá rừng.

Trong khi đó, Melina Sakiyama (34 tuổi), một nhà hoạt động người Brazil nhận định: “Thật dễ dàng để lo lắng về khí hậu khi bạn có tiền và đặc quyền”.

Theo các chuyên gia trên thế giới, với hàng loạt hội nghị cấp cao về chống biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trong năm 2020, 2019 được cho là năm khởi nguồn của những hành động về khí hậu.

“Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để hướng sự bất ổn này theo cách có thể đưa chúng ta tới một xã hội tốt hơn, hòa bình, dân chủ và bền vững hơn. Ở một khía cạnh nào đó, biến đổi khí hậu làm cho tất cả chúng ta bình đẳng hơn. Bởi, nó khiến chúng ta có khả năng hành động cùng nhau hơn”, ông Jornet nói.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.