2016: Năm chết chóc ở Địa Trung Hải

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đáng xấu hổ của lịch sử châu Âu - chúng ta thậm chí không thể đối xử với mọi người như con người”.

2016: Năm chết chóc ở Địa Trung Hải

Đó là một trong những lời than phiền của các nhân viên cứu hộ người tị nạn. Họ cho rằng, nhiều người tị nạn đang chết trong nỗ lực tuyệt vọng để đến châu Âu một cách an toàn, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo chính trị có phần chưa đánh giá hết được mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng.

Những cái chết đau đớn

Ít nhất 3.000 người di cư đã chết trong cuộc hành trình nguy hiểm trên biển Địa Trung Hải trong năm nay, chết đuối hoặc bị chết ngạt dưới khoang thuyền của những chiếc thuyền buôn lậu quá đông đúc.

Các nhân viên cứu hộ nói với tờ The Independent rằng, mặc dù số người mạo hiểm đến Hy Lạp đang giảm đi kể từ khi thỏa thuận về tiếp nhận người tị nạn giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ được ký kết, nhưng tình hình ở miền Trung Địa Trung Hải tồi tệ hơn khi số lượng người tị nạn qua đây không có dấu hiệu giảm đi.

2016: Nam chet choc o Dia Trung Hai - Anh 1

Trẻ em đang được nhân viên cứu hộ giải cứu trên đường tới đảo Sicily. (Nguồn: theo Reuters)

Ít nhất 1.500 người được dự kiến đến đảo Sicily vào thứ Bảy và 1.000 người đến vào ngày Chủ Nhật, nâng tổng số người tị nạn đến đây lên ít nhất 3.000 kể từ thứ Sáu.

Tiến sĩ Erna Rijnierse, một bác sĩ trên tàu cứu hộ MV Aquarius do Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) và Tổ chức nhân đạo SOS Méditerraneé quản lý, cho biết tình hình nhân đạo ngày càng trở nên khủng khiếp hơn. Cô đã nhìn thấy rất nhiều thảm kịch trong những tháng điều trị cho người tị nạn bị thương do bị tra tấn, đánh đập, hãm hiếp và lạm dụng tình dục.

Ngày 20/7 vừa qua, cô đã lên một chiếc thuyền ra ngoài khơi bờ biển Libya để tìm thi thể của 22 người tị nạn trên tàu, chủ yếu là phụ nữ. “Tôi đi một lượt khắp tàu để tìm kiếm và ngửi thấy mùi xăng xộc lên", Tiến sĩ Rijnierse nói với tờ The Independent.

"Chiếc thuyền đã bị nứt và nhiên liệu trộn lẫn với nước... Những người di cư đã chết một cách đau đớn. Bạn có thể nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt họ. Một số người đã bị ngạt thở. Một số bị chết đuối. Đó là điều mà tôi hy vọng không bao giờ nhìn thấy nữa" -Rijnierse kể lại.

Cô và đồng nghiệp đã chụp ảnh các thi thể và bàn giao cho chính quyền Italy với hy vọng danh tính của họ được xác định, trong khi các hành khách còn sống sót đã được đưa đến nơi an toàn.

Thay đổi chiến thuật

Tiến sĩ Rijnierse tin rằng, tình hình đang xấu đi ở Địa Trung Hải khi bọn buôn người chuyển từ tàu đánh cá bằng gỗ lớn bằng thuyền cao su nhỏ để chở người tị nạn.

"Thuyền cao su có sức chứa từ 12 đến 20 người nhưng có hơn 100 người trên tàu. Những chiếc thuyền quá nguy hiểm khi chở quá tải và những người lái thuyền dường như không quan tâm đến điều đó” - cô nói.

2016: Nam chet choc o Dia Trung Hai - Anh 2

Trẻ em tị nạn không có người lớn đi kèm đang gia tăng. (Nguồn: The Independent)

Người Syria chiếm gần một nửa số người tị nạn đến Hy Lạp, tiếp theo là từ Afghanistan, Iraq, Pakistan và Iran. Trong khi đó, bức tranh người tị nạn ở Italy có sự khác biệt khi hầu hết những người tị nạn đến đây từ Nigeria, Eritrea, Gambia, Sudan, Somalia và các quốc gia châu Phi khác.

Nhiều người buộc phải băng qua sa mạc Sahara cùng với các băng nhóm buôn lậu. Họ có thể bị hãm hiếp, tra tấn và bị bỏ đói. Thậm chí, thi thể của những người chết bị bỏ mặc ngoài sa mạc.

Valentina Bollenback, thuộc tổ chức phi chính phủ Save the Children cho biết, số trẻ em không có người lớn đi kèm tăng gấp đôi trong năm qua. Theo Valentina, thanh thiếu niên di cư đặc biệt dễ bị bóc lột và lạm dụng.

Còn theo Tiến sĩ Rijnierse, tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn trong bối cảnh các trung tâm tiếp nhận đã đầy người: "Họ đã vượt qua địa ngục nhưng thậm chí cũng không an toàn khi đã đến được miền đất hứa”, Rijnierse nói.

Cuối tuần trước, Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền đã cảnh báo rằng, các rào cản vật lý và pháp lý đối với vấn đề di cư là "không phù hợp" khi áp dụng cho tình trạng buôn người. Theo Cao ủy Maria Grazia Giammarinaro, đã đến lúc hành động để tạo điều kiện thuận lợi cho những người tị nạn đi tìm nơi trú ẩn an toàn nhưng cần có các chế tài nghiêm khắc hơn đối với những kẻ buôn người.

Theo TT&CL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ