Tiếng cô giáo trong trẻo vang đều đều đã trở thành hết sức thân quen với thầy cô và mọi người trong trường.
Như sáng nay, trước khi vào phòng làm việc tôi đi ngang phòng cô dạy và nghe: “Các em ổn định trật tự lấy tập ra viết cho cô hai dòng từ “cây cau”, “cái cầu””. Chờ khoảng năm phút, cô hỏi: “Các em xong chưa? Em nào viết xong cầm tập lên cô xem”.
Rồi cô nói tiếp: “Bây giờ các em mở sách giáo khoa ra nhìn vào bài học ngày hôm qua đọc cho cô và các bạn trong lớp nghe bài “au”, “âu””. Tiếng học trò vang lên, có em đánh vần, có em đọc trơn, không khí trong lớp hết sức rộn ràng.
Hơn 10 phút sau cô giáo bảo lớp trật tự nghe cô nói: “Hôm nay, cô nhận thấy em nào cũng viết chữ đẹp, đọc to rõ, riêng em Sen vừa viết chữ đủ nét, tập sạch không bôi xóa, khoảng cách giữa các chữ đúng như cô hướng dẫn và đọc tốt, em có tiến bộ cô khen em, em học như thế này cuối năm thế nào cũng lên lớp 2”.
Tôi biết em Hoàng Hương Sen năm rồi cũng học lớp 1 do chính cô chủ nhiệm. Em Sen là học sinh khuyết tật học hòa nhập, dù cô Hồng cố gắng giúp đỡ học tập rất nhiều nhưng cuối năm kiểm tra hai, ba lần em vẫn không đạt yêu cầu lên lớp.
Cô nói tiếp: “Bây giờ các em có thể đi vệ sinh, rửa mặt cho tỉnh táo vào lớp chờ trống vào học tiết đầu nghe”. Học trò cả lớp đồng thanh dạ thật to.
Cô giáo chủ nhiệm ấy tên Lê Tuyết Hồng, có thâm niên 20 năm giảng dạy. Trước đây cô công tác tại Trường tiểu học Trung Lập Thượng, được chuyển về dạy tại Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi (TP.HCM) năm năm nay và được nhà trường phân công dạy lớp 1.
Cô rất hiểu tâm lý học sinh, nhất là các em ở vùng sâu khi đến trường học lớp 1 thường không học qua mẫu giáo nên tính các em nhút nhát, ngại phát biểu, nói chuyện với cô giáo, bạn bè.
Các em không chuẩn bị bài ở nhà trước khi đến trường và thường xuyên không thuộc bài, có khi nghỉ học với lý do rất đơn giản: nhà có đám tiệc nên mẹ bảo nghỉ học ở nhà cho vui...
Thấy tình trạng học sinh học tập như thế này khó có tiến bộ nên cô trình bày với nhà trường ý định hằng ngày sau giờ tan học cô giữ lớp ở lại phụ đạo thêm khoảng nửa tiếng.
Thấy cô tận tụy với nghề nghiệp và có lòng thương yêu giúp đỡ học sinh như vậy, ban giám hiệu nhà trường hết sức ủng hộ và đồng ý.
Cô áp dụng thời gian biểu phụ đạo được gần một tháng thì một vài phụ huynh có ý kiến vào giờ đó không thích hợp, vì khi nghe tiếng trống báo ra về trẻ luôn có tâm trạng muốn về, mắt thì trông ra ngoài cửa lớp chờ mẹ đến đón nên học giờ đó chắc không hợp lý, vả lại lúc đó trẻ cũng đói bụng.
Cô ghi nhận ý kiến này rồi suy nghĩ chẳng lẽ nghỉ phụ đạo cho học sinh, dạy hết giờ nghỉ cho khỏe, công mình bỏ ra phụ huynh không hiểu mà còn nói này nói nọ rất buồn.
Nhưng rồi cô nghĩ công sức dạy trẻ hơn tháng nay đã thấy nhiều em có tiến bộ, giờ bỏ ngang thì uổng công và tiếc sức lắm, cô dứt khoát không bỏ cuộc.
Cô chuyển sang phụ đạo vào đầu giờ học mỗi ngày. Ban đầu phụ huynh chưa quen đưa con đi học sớm trước 7g và 13g30 nhưng dần dần cũng quen.
Dành 20 phút trước giờ vào học chính thức để ôn tập cho học sinh, trong năm năm giảng dạy lớp cô chủ nhiệm luôn có tỉ lệ học sinh khá giỏi cao nhất khối.
Học sinh lớp cô ngoài tham gia tích cực các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, phong trào kế hoạch nhỏ còn có nhiều em đoạt giải cao trong phong trào thi vở sạch chữ đẹp cấp trường, cấp huyện.