18 triệu lượt ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

18 triệu lượt ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

(GD&TĐ) - Sáng 17/5, Bộ Tư pháp đã họp báo về kết quả lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo kế hoạch của Chính phủ. Các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt góp ý của các tập thể cá nhân. 

Bên cạnh số lượng khá lớn ý kiến tán thành với các nội dung điều khoản cụ thể của Dự thảo thì cũng có một số lượng lớn các ý kiến góp ý đề nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn Dự thảo.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết: Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được xây dựng trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu từ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 30 bộ, ngành. Báo cáo của Chính phủ thể hiện rõ 7 nhóm vấn đề của Dự thảo được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, đề xuất hoàn thiện.

Kế thừa sự tiến bộ của Hiến pháp 1946

Đóng góp cho chương I về chế độ chính trị, Chính phủ tán thành với việc ghi nhận tại Điều 4 về vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. Đồng thời kiến nghị tập trung vào quy định về nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong dự thảo.

18 triệu lượt ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ảnh 1
Quang cảnh buổi họp báo

Chính phủ cũng đề nghị không quy định yếu tố nền tảng của quyền lực nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức mà kế thừa các quy định của Hiến pháp 1946. Cần ghi nhận và đảm bảo thực thi quyền lập hiến của nhân dân, hoàn thiện các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp.

Một trong các nội dung đã được ban soạn thảo tiếp thu là kiến nghị nêu trong chương VII về tổ chức Chính phủ. Đó là: Kiến nghị xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực của Nhà nước, tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, bộ trưởng. Cụ thể hóa mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước giữa Chính phủ với QH, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát… và các thiết chế hiến định độc lập.

Đề nghị đổi mới toàn diện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp, bảo đảm tổ chức của từng cấp chính quyền phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế xã hội và có tính đến đặc thù đô thị, nông thôn.

Xác định rõ hơn vị trí, tính chất pháp lý của HĐND là cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương và trách nhiệm trước nhân dân địa phương và đổi mới tổ chức hoạt động của cơ quan hành chính ở địa phương đảm bảo tương ứng với kiến nghị cần hiến định rõ hơn về thẩm quyền, tiêu chí, điều kiện, thủ tục thành lập mới, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính- lãnh thổ.

Không quy định Nhà nước thu hồi đất vì lý do “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”

Về chương III- kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường: Đa số ý kiến tập trung vào kiến nghị hoàn thiện quy định về các trường hợp thu hồi đất theo hướng trong mọi trường hợp Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất hợp pháp, đúng mục đích bị thu hồi đất đều phải được đền bù theo giá thị trường.

Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lí do "các dự án phát triển kinh tế - xã hội".

Hiến pháp sẽ trở thành đúng nghĩa của đạo luật gốc, có thể áp dụng trực tiếp các điều khoản của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động của tổ chức bộ máy Nhà nước, góp phần đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp thông qua việc xử lý các hành vi vi hiến. 

Lan Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.