177 ngày chết đi sống lại trong ngục phiến quân của cựu binh Mỹ

Gần nửa năm sống trong trại giam của phiến quân, Haisam Farran, một cựu binh Mỹ, phải chịu hàng trăm trận đòn roi, nhiều lần ngất lịm trên bàn thẩm vấn.

177 ngày chết đi sống lại trong ngục phiến quân của cựu binh Mỹ
177-ngay-song-giua-nguc-tu-phien-quan-cua-mot-cuu-binh-my

Haisam Farran. Ảnh: Washington Post

Ngày 19/3, khi Haisam Farran bay tới Sanaa, thủ đô của Yemen, ông lập tức nhận ra mình bị để ý kỹ hơn bình thường, nhưng Farran không coi những ánh mắt dò xét đó là một mối đe dọa, theo Washington Post.

Sanaa lúc này đã rơi vào tay quân nổi dậy Houthi. Farran từng là một lính thủy đánh bộ, trợ lý tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ ở Yemen. Làm việc tại một tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ an ninh cho các công ty phương Tây đặt trụ sở ở Yemen, Farran là một trong rất ít người Mỹ vẫn dám tới quốc gia Trung Đông này sau khi phiến quân Houthi lật đổ chính quyền.

6 ngày sau, Arab Saudi triển khai một đợt không kích nhằm đánh bật phiến quân khỏi thủ đô Yemen. Farran, 54 tuổi, đang ở trong một căn nhà của công ty thuốc lá Anh - Mỹ cùng đồng hương Scott Darden khi những trái bom đầu tiên dội xuống. Darden là nhân viên công ty Phát triển Xuyên Đại dương, trụ sở ở New Orleans, phụ trách giám sát việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Yemen.

Chiến dịch của Arab Saudi, được hỗ trợ bởi phương tiện và thông tin tình báo Mỹ, bất ngờ biến các công dân Mỹ ở Sanaa thành những đối tượng tình nghi hàng đầu. Cũng từ đây, Farran bắt đầu chuỗi ngày cùng cực sống trong nhà tù của phiến quân, bên cạnh những phần tử khủng bố al-Qaeda.

"Mỗi ngày đối với chúng tôi đều như chết đi sống lại. Người bình thường khi thức giấc sẽ chuẩn bị cho một ngày mới. Nhưng ở đó, chúng tôi tỉnh dậy và ước mình chết thêm một lần nữa", Farran chia sẻ trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi ra tù.

Câu chuyện Farran kể đã hé lộ những bí mật hiếm khi được tiết lộ về bộ máy an ninh của phiến quân Houthi, những kẻ đang nắm quyền kiểm soát thủ đô Yemen và chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi.

Chuỗi ngày địa ngục

Đêm 27/3, một nhóm đàn ông mang theo những khẩu súng trường M-4 do Mỹ sản xuất, đội khăn trùm kín mặt, xông vào nơi ở của Farran và Darden. Farran nhận ra ngay đó là thành viên của một đơn vị chống khủng bố do Mỹ hậu thuẫn nhằm chiến đấu với quân khủng bố al-Qaeda. Nhưng nay họ lại nhận lệnh từ ba chỉ huy phiến quân Houthi.

Họ lục soát ngôi nhà, tịch thu điện thoại, máy tính của Farran và Darden, lấy đi 5.000 USD Farran để trong ví. Khi việc tìm kiếm hoàn thành, những kẻ tấn công ép Farran và Darden cởi bỏ quần áo, chỉ giữ lại chiếc quần lót, bịt kín mắt rồi áp giải ra một chiếc xe bọc thép đỗ bên ngoài.

"Đừng có hỏi gì hết", một tay súng ra lệnh. Farran cảm thấy lo lắng. Ông sợ rằng mình sẽ bị hành quyết. "Suy nghĩ ấy cứ quanh quẩn trong đầu tôi", Farran nhớ lại.

30 phút sau, Farran bị đưa tới một phòng thẩm vấn. Máy tính của ông đặt sẵn trên bàn. Kẻ tra khảo muốn biết mật khẩu để mở máy, hòm thư điện tử cũng như tài khoản mạng xã hội của ông.

"Tại sao ông tới Yemen", hắn hỏi.

Farran giải thích về công việc của mình nhưng tên phiến quân không tin. "Ông là gián điệp", hắn quả quyết. "Vì sao ông lại tới đây ngay trước khi cuộc không kích diễn ra? Chính ông đã cung cấp thông tin về các mục tiêu cho người Mỹ và Arab Saudi đúng không?".

Farran phủ nhận.

"Đồ dối trá", kẻ thẩm vấn hét lên. Một tên khác tát tới tấp vào mặt Farran. Mắt vẫn bị bịt kín, ông cảm tưởng đầu mình như muốn vỡ tung. Ông ngất lịm đi ngay trên ghế.

Farran bị lôi tới một buồng giam tối tăm. Người ta vứt cho ông một chiếc quần thể thao và áo phông nhưng không có giày. Phía góc phòng là vòi nước và một chiếc xô để lau rửa, một hộc tủ nhỏ cùng một chiếc chăn mỏng.

Mỗi ngày ông được cho ăn ba bữa, chủ yếu là các món hầm. Dù vậy, Farran vẫn sụt hơn 13 kg trong 6 tháng sống tại đây. Buồng giam của Farran còn có ba người khác, hai trong số đó là nhân viên y tế thuộc chi nhánh địa phương của al-Qaeda. Nói chuyện với những người này Farran mới biết mình đang ở "nhà tù Guantanamo của Yemen".

Ba ngày sau, Farran lại bị bịt mắt đưa tới một căn phòng kín. Kẻ thẩm vấn tiếp tục buộc tội nhưng ông kiên quyết không thừa nhận. Chúng liên tiếp dùng cây gậy to đánh vào tay và chân Farran. Khi trở về buồng giam là lúc ông không còn biết chuyện gì đang xảy ra quanh mình.

Chuỗi ngày đau đơn vì bị tra tấn cứ thế tiếp diễn trong nhiều tuần cho đến một hôm, bạn cùng buồng giam bày cho Farran cách giả lên cơn đau tim để né đòn roi. Farran quyết định làm theo lời khuyên. Vài ngày sau, ông vờ nằm lăn ra đất, thở nặng nhọc, ra vẻ đau đớn, trong khi những người khác đập mạnh lên tấm cửa buồng giam kêu cứu. "Lão già Mỹ", như cách các tay súng Houthi gọi ông, được đưa tới bệnh viện, xét nghiệm, kê đơn rồi trả lại nhà tù.

Ngày trở về

Những kẻ cai quản chuyển Farran tới một buồng giam mới, nơi bạn cùng phòng của ông là các tay súng al-Qaeda. Họ có vẻ bề ngoài khá dữ tợn khiến Farran không khỏi lo âu. Farran không dám tiết lộ về thân phận Mỹ của mình.

Nhưng khác với những gì Farran suy nghĩ, bạn cùng phòng không bao giờ đe dọa ông. Ngược lại, họ rất hiếu kỳ về ông. Farran kể cho họ về cộng đồng người Yemen ở nơi ông sống, thành phố Dearborn, bang Michigan. Những người này luôn cho rằng tất cả người Hồi giáo ở Mỹ đều bị đối xử bất bình đẳng và không thể cầu nguyện thoải mái. Farran phải giải thích cho họ hiểu.

Một ngày, các tay súng al-Qaeda nói đang có tin đồn tổ chức khủng bố này sẽ thực hiện một vụ cướp ngục và hỏi ông có muốn đi cùng không. Farran suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng chấp nhận lời đề nghị bởi trước đó những kẻ thẩm vấn đã đe dọa sẽ khiến ông "biến mất".

"Tôi đâu còn lựa chọn nào khác?", ông nói. "Tôi phải nắm lấy cơ hội của mình".

Khi không nói chuyện với các thành viên al-Qaeda, Farran chạy xung quanh phòng giam chật chội cho tới khi đầu gối mỏi nhừ. Sau 130 ngày không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, ông được phép ra ngoài khoảng một tiếng. Lính canh đưa Farran tới một cái sân nhỏ. Ông gặp lại Darden lần đầu sau hơn ba tháng. Họ ôm nhau khóc.

Dù không bị hành hạ về thể xác nữa nhưng những cuộc thẩm vấn Farran vẫn tiếp diễn. Phiến quân Houthi muốn ông ký vào một tờ khai thú nhận mình là gián điệp.

"Không một ai hỏi thăm ông cả", kẻ thẩm vấn nói. "Ông chỉ có một mình ở đây thôi. Chọn cách làm dễ chịu hay khó khăn đều tùy thuộc vào ông. Ký vào biên bản đi rồi ông sẽ tự do".

Thực tế, Đơn vị Phối hợp Giải cứu Con tin mới thành lập của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng tìm rất nhiều cách để giải cứu Farran.

Hàng chục cuộc thẩm vấn vẫn tiếp tục diễn ra, song với sự kiên định của mình Farran đã khiến Houthi phải ngừng buộc tội ông là gián điệp.

"Rút cục thì họ cũng chịu từ bỏ", ông nói. Farran tin rằng áp lực ngoại giao cùng sự khăng khăng phủ nhận của ông là lý do chính dẫn tới thành công này. Một tuần sau lần thẩm vấn cuối, lính canh hỏi Farran cỡ giày, một dấu hiệu cho thấy ông sắp được về nhà.

"Tôi ngồi phịch xuống đất", Farran kể. "Tôi như bị sốc. Không thể tin vào tai mình nữa. Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện cho giây phút này".

Đúng vào ngày 20/9, đi giầy và mặc quần áo mới, Farran cùng Darden được đưa trở về quê hương. Điều ông không thể tin đã trở thành hiện thực.

177-ngay-song-giua-nguc-tu-phien-quan-cua-mot-cuu-binh-my-1

Farran đứng trước ngôi nhà của mình tại Dearborn, bang Michigan, Mỹ. Ảnh: Washington Post

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ