1. Giảm lượng rượu đưa vào cơ thể: Không chỉ mùa đông, đồ uống chứa cồn luôn mang lại những tác động tiêu cực cho sức khỏe. Người uống có khả năng giảm khả năng miễn dịch, thường xuyên đau ốm hơn so với những người không đả động đến chúng.
2. Trà hoa cúc và trà xanh: Trà xanh là chất chống ôxy hóa, có tính kháng vi-rút mạnh và tính kháng khuẩn cao. Nên uống từ 3-5 tách trà xanh mỗi ngày sẽ giúp tăng cường miễn dịch. Trà hoa cúc cũng được cho là có chất chống ôxy hóa cao giúp phòng ngừa cảm lạnh và cúm trong mùa đông.
3. Cung cấp nhiều chất chống oxy hóa: Một chế độ ăn giàu trái cây, rau quả, ngũ cốc và đậu đỗ sẽ đảm bảo một hệ miễn dịch tối ưu. Những thực phẩm này cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng chống oxy hóa cần thiết cho hệ thống miễn dịch làm việc hiệu quả.
4. Vệ sinh tay sạch sẽ: Để loại trừ các vi khuẩn, vi rút gây bệnh trú ngụ ở tay, tốt nhất bạn nên sử dụng xà phòng diệt khuẩn thay vì chỉ rửa qua với nước.
5. Tăng cường đồ ăn nhiều kẽm: Các chuyên gia khuyến khích tiêu thụ lượng kẽm phù hợp nhằm tăng khả năng miễn dịch, ngừa cúm. Bạn có thể hấp thụ dưỡng chất này trong các món ăn từ sò, củ cải, đậu nành, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc, khoai lang, lạc…
6. Tránh tiêu thụ nhiều đồ ăn đông lạnh: Thực phẩm đông lạnh không hề có lợi cho nỗ lực ngăn ngừa cảm cúm, cảm lạnh trong mùa đông. Tốt nhất, bạn nên thưởng thức đồ ăn được chế biến, giữ ấm ở nhiệt độ phù hợp vừa tăng cảm giác ngon miệng, vừa tốt cho sức khỏe.
7. Sử dụng nước ép trái cây: Thưởng thức nước ép trái cây là cách đơn giản nhằm tăng cường khả năng miễn dịch. Cụ thể, nước ép trái cây giúp loại bỏ độc tố khỏi hệ bạch huyết trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không lạm dụng thái quá dẫn đến tình trạng thiếu chất xơ trầm trọng.
8. Tập thể dục, nhưng vừa phải: Những bài tập nhẹ và trung bình có thể thúc đẩy hệ miễn dịch, tuy nhiên nghiên cứu từ Đại học Loughborough cho thấy việc tập cường độ cao trong 90 phút làm giải phóng hoóc môn stress, các phân tử kháng viêm làm bạn càng dễ mẫn cảm với cảm lạnh và cảm cúm.
9. Ngủ đủ giấc: Một nghiên cứu khác của Đại học Carnegie Mellon (Pittsburgh, Mỹ) cho biết những người ngủ 8 tiếng hoặc hơn trong vòng 2 tuần liên tục có khả năng giảm nguy cơ mắc cảm cúm đến 3 lần so với người ngủ ít hơn 7 tiếng đấy. Vì thế, đừng thức đêm và hãy ngủ đủ giấc bạn nhé!
10. Vitamin C: Vitamin C là một vitamin tuyệt vời cho cuộc chiến chống cảm lạnh. Trái cây và rau tươi giàu vitamin C hơn các loại nước ép. Cam, kiwi, rau xanh và quả mọng là nguồn thực phẩm giàu vitamin C.
11. Đừng ở mãi trong nhà: Dù cho là mùa đông lạnh thì bạn cũng nên đi ra ngoài để tiếp xúc với thế giới bên ngoài chứ đừng ở mãi trong nhà, để rồi có thể trở nên cô lập và đóng góp vào cảm giác trầm cảm.
12. Rửa mũi bằng nước muối: Muối có thể giúp giảm số đợt cảm lạnh bạn mắc phải, theo các thử nghiệm tại Đại học bang Pennsylvania. Nó hỗ trợ bằng cách ngăn ngừa các vi khuẩn làm tổ trong hốc mũi.
13. Không dùng chung vật dụng cá nhân. Tất cả bàn chải đánh răng, khăn tắm, dao cạo râu, khăn tay và dụng cụ cắt móng tay là những nguồn chứa nhiều vi khuẩn, virus và nấm gây bệnh. Để tránh bị lây nhiễm bệnh, tốt nhất cố gắng dùng những vật dụng cá nhân của riêng mình.
14. Giảm stress: Nếu muốn tăng cường hệ miễn dịch trong mùa lạnh chống cảm cúm, bạn nhất thiết phải giảm stress.
15. Bỏ thuốc lá: Pascal James Imperato, MD, chủ nhiệm khoa của Trường Y tế công cộng tại SUNY Downstate, ở Brooklyn, cảnh báo rằng sự tổn thương phổi trước do hút thuốc lá có thể khiến bạn tăng nguy cơ bị các bệnh do virus gây ra trong đó có cảm cúm, cảm lạnh.
16. Làm ấm mũi: Giáo sư Ron Eccles từ Trung tâm nghiên cứu cảm lạnh tại Đại học Cardiff lý giải: "Chúng ta bị cảm lạnh và cảm cúm nhiều hơn trong mùa đông là vì mũi lạnh đi, làm giảm khả năng kháng lại các nhiễm trùng"