(GD&TĐ)-Đó là kinh phí mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cho Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020.
Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa của nhân loại cần được bảo tồn |
Theo đó, địa bàn thực hiện Đề án là miền núi, dân tộc thiểu số. Ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; những vùng phải di dời để phát triển kinh tế; vùng có nguy cơ cao bị mai một bản sắc văn hóa; vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).
Mục tiêu cụ thể của Đề án là từ nay đến 2015 cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 5.000 người) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về văn hóa và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc.
Bên cạnh đó, 50-60% số làng, bản, buôn, phum, sóc, thôn... có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện. Mục tiêu này đến năm 2020 là 70-85%.
Một mục tiêu khác của Đề án là đến 2015, mỗi huyện vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất 1 nghề truyền thống, dân ca, dân vũ hoặc hoạt động du lịch đặc trưng góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Khánh Hải khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn đánh giá văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam. Sự nhất quán trong nhận thức và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. |
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Đề án đưa ra 7 giải pháp, trong đó giải pháp đột phá là đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở các cấp huyện, tỉnh. Gắn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở địa phương; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển. Đến năm 2020, 60-80% cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình hoặc của dân tộc anh em sống trên địa bàn đã qua bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có chương trình bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số rất ít người.
Thực tế văn hóa nhiều năm gần đây cho chúng ta thấy, sự ra đời, du nhập các giá trị văn hóa mới cùng với xu thế hội nhập và phát triển đã đưa tới nhiều biến động trong đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Giao lưu văn hóa nghệ thuật tại bản du lịch cộng đồng Tả Van, Sa Pa (Lào Cai) |
Trong đó, nổi lên là những tác động có khả năng làm phai mờ, biến dạng một số giá trị văn hóa riêng, vốn là niềm tự hào, là tài sản hết sức quý báu của các dân tộc thiểu số. Vì thế ở nhiều nơi, một số quan niệm văn hóa lành mạnh trong ứng xử với cộng đồng và tự nhiên, một tập quán văn hóa tốt đẹp, một số lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số không còn giữ được nét bản sắc riêng, mà bị pha trộn, thậm chí bị thay thế bằng các giá trị không cùng nguồn gốc. Ngay cả việc huy động một số nét bản sắc văn hóa riêng để phục vụ hoạt động du lịch cũng chưa được nghiên cứu thấu đáo, và chủ yếu còn mang tính hình thức. Tình trạng này hoàn toàn có thể đẩy tới nguy cơ nhạt nhòa rồi biến mất một số giá trị văn hóa riêng của một số dân tộc...
Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho biết: Đối tượng của đề án là các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Đề án có 6 dự án thành phần: Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa và tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc; Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục; Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; Giới thiệu quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia. Đề án chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí 1.512 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. |
Từ thực trạng của vấn đề, việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược đối với chúng ta. Ðề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 chính là hành động cụ thể, thiết thực mà Chính phủ đã triển khai. Tuy nhiên, để dự án đạt tới kết quả như đã đề ra, cần xác định đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành văn hóa, của chính quyền các địa phương, mà còn là nhiệm vụ của toàn dân. Và từ đặc trưng của quá trình ra đời, bảo quản, giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa, cần coi đây là nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên và lâu dài, không thể nôn nóng hoặc vội vàng. Ðặc biệt, cần hết sức chú ý tới quan điểm cơ bản của đề án là phải khẳng định con người là chủ thể văn hóa trung tâm, phương thức triển khai thực hiện theo hướng từ dưới lên, từ đó phát huy tối đa năng lực của những người có uy tín như già làng, trưởng bản, các nghệ nhân người dân tộc thiểu số... Cần thống nhất rằng, chỉ với quan niệm, cách làm như thế, chúng ta mới có thể xây dựng nên nền móng vững chắc để bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số; phối hợp giữa Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Phát thanh và Truyền hình tại các địa phương xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, ưu tiên sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc.
Thái Sơn