Đứa trẻ nào cũng tò mò về thế giới này. Chúng phản ứng với mọi tác động tích cực hay tiêu cực cùng với những cảm xúc mãnh liệt nhất bởi chúng vốn dĩ không hề biết phải phản ứng thế nào. Nói đơn giản hơn, chúng háo hức khám phá những trải nghiệm sống trọn vẹn nhất có thể.
Khi chúng ta ngày càng lớn, ta dần quên những cảm xúc háo hức ngày thơ bé ấy. Đến khi có con, ta bắt đầu nghĩ rằng chúng cũng phải cư xử hệt như chúng ta vậy. Nhưng bố mẹ cần nhớ rằng trẻ đang học hỏi về cuộc sống này, mà thậm chí đôi khi chúng ta cũng có thể học vài điều từ chúng nữa đấy. Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi ngăn chúng làm những điều sau nhé.
1. Khóc
Phản ứng bản năng của mỗi bố mẹ khi thấy con khóc là chạy ào đến để xem làm sao bé khóc. Dù thể hiện sự quan tâm là tốt, bố mẹ cũng không nên ngăn chúng khóc bằng mọi giá. Khóc là một phản ứng khó chịu của cơ thể, nếu trẻ có thể dừng, chúng sẽ tự động dừng lại. Nhưng đôi khi, chúng cần phải được khóc thật thỏa thích. Việc bạn đứng ngay bên cạnh yêu cầu chúng phải nói có chuyện gì xảy ra thường không giúp được gì nhiều đâu.
2. Cười
Hãy để trẻ được cười hồn nhiên và thoải mái.
Hẳn bạn đang tự hỏi có ai lại đi cấm một đứa trẻ cười cơ chứ? Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thích hợp để cười, và bố mẹ nên dạy trẻ điều này. Nhưng cũng như khóc, cười là một phản ứng vô điều kiện đôi khi rất khó kiểm soát. Khi chăm trẻ, bố mẹ đừng bao giờ tức giận khi chúng bật cười không ngừng trước một thứ gì kì quặc. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng yêu cầu bé ra khỏi phòng để tận hưởng hết niềm vui của mình, không có lí do gì để tức giận với chúng vì một vài tiếng cười khúc khích đúng không?
3. Trêu đùa
Hành động này thì dễ kiểm soát hơn, nhưng cuộc đời sẽ nhàm chán biết bao nếu chúng ta quá cứng nhắc với nó đúng không? Liệu bố mẹ không còn nhớ quãng thời gian vô tư trêu đùa ngày còn bé sao? Tất nhiên không được để trẻ hành động quá khích, nhưng bố mẹ cũng nên để trẻ tự do thực hiện vài trò chơi khăm nho nhỏ. Đó vừa là một cách để trẻ thỏa sức thể hiện tính sáng tạo vừa mang tính giải trí cho cả gia đình nữa.
4. Nghịch mưa
Nếu bạn đã lỡ quên, tắm mưa là một việc sảng khoái vô cùng.
Nghich mưa? Quần áo trẻ sẽ ướt nhẹp và bạn là người phải giặt chứ ai. Nhưng đó là một kỉ niệm đẹp khác mà bạn có thể đã quên mất. Hãy để trẻ thỏa sức tự mình khám phá thế giới. Để chúng được vui vẻ khi còn bé đủ để không bị “kì thị” khi tắm mưa.
5. Bày bừa
Dù vô tình hay cố ý, trẻ con luôn là giống loài bừa bộn nhất thế giới. Nhưng như thế thì có sao nhỉ? Có thể mẹ sẽ phải cọ sàn, giặt thêm ít quần áo, sơn lại một mảng tường. Nhưng nếu bé làm bẩn áo khi đang tạo nên một kiệt tác trên tủ lạnh, liệu mẹ có giận nổi không? Nếu chúng vô ý thì sao, ai cũng mắc lỗi cả mà. Đừng cấm trẻ lấm bẩn khi đang vẽ hoặc khám phá khoa học. Tài năng phải được khám phá, đúng không?
6. Đọc
Nhiều người cấm trẻ em đọc truyện tranh, đúng hay sai?
Bạn cũng có thể đang nghĩ “Ai mà lại đi cấm trẻ đọc cơ chứ?”. Nhưng thực tế có rất nhiều người lớn nói với học sinh phải ngừng đọc truyện tranh và đọc “một quyển sách thực sự” đi đấy. Nếu trẻ đang đọc và nhập tâm vào một quyển sách nhưng bạn lại bảo nó phải đọc quyển mà bạn thích đi, có khác gì một người bảo bạn không được nghe bài nhạc yêu thích của bạn chứ? Trẻ sẽ phải làm gì nếu bạn cấm nó không được đọc những ấn phẩm dành cho lứa tuổi của nó?
7. Chơi nhạc cụ
Khi trẻ bắt đầu thể hiện sự hứng thú với một nhạc cụ nào đó, bố mẹ thường cảm thấy một cảm xúc lẫn lộn giữa háo hức và lo âu vì không gian yên bình ở nhà sẽ nhanh chóng biến mất. Dù bố mẹ nên đặt giới hạn để bé không tập quá lâu, nhưng cũng đừng bao giờ cấm trẻ luyện tập tiếp nhé, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc thời gian ngủ trưa của bạn sẽ không còn.
8. Tập trung vào một sở thích
Có một quảng cáo nổi tiếng vài năm trước, kể về chuyện bố mẹ và giáo viên một cô bé cấm cô không được học tự nhiên, công cụ điện tử và những thứ “của đàn ông” khác. Làm sao trẻ có thể trở thành người thay đổi thế giới nếu cứ bị o ép vào khuôn khổ xã hội chứ? Nếu trẻ hứng thú với một điều gì đó mà bạn nghĩ là không phù hợp cũng đừng nên buộc trẻ ngừng theo đuổi đam mê nhé.
9. Cãi nhau với bạn bè
Khi cãi nhau và tha thứ, trẻ học được bài học về tình bạn.
Bố mẹ không nên can thiệp khi trẻ giận bạn mình, mà nên để trẻ tự mình học được một chút lí lẽ cá nhân. Bố mẹ có thể đóng vai nhà đàm phán, nhưng hãy cố gắng để hai bên hiểu rằng mỗi người đều có lỗi và nên bỏ qua những sự khác biệt của mỗi người để tiếp tục giữ gìn mối quan hệ.
10. Tự mình thí nghiệm
Nhiều bé không muốn công nhận rằng chúng cần sự giúp đỡ. Đa số trẻ không nghĩ chúng cần sự giúp đỡ và cố gắng để hoàn thành phần việc theo cách của mình hết lần này tới lần khác cho tới khi kiệt sức. Trẻ học được rất nhiều thứ từ quá trình cố gắng, thất bại, và nỗ lực lần nữa. Điều đó cũng khiến chúng thành thạo kĩ năng giải quyết vấn đề hơn đó.
11. Thể hiện bản thân
Mỗi trẻ đều có một bản thể riêng, hãy để trẻ tự do phát triển chúng.
Mỗi đứa trẻ đều đang đi trên con đường hoàn thiện thế giới quan về thế giới và cố tìm ra con đường của mình giữa hàng vạn điều khác. Nếu buộc chúng đi theo vết chân của ai, trẻ sẽ trở thành bản sao của một người khác. Trẻ có cả một tương lai phía trước để đối mặt với xã hội, khi chúng còn trẻ, hãy để giọng nói của chúng được ghi nhận.
12. Kì cục
Hãy để trẻ vượt qua giới hạn xã hội. Trẻ chưa cần phải o ép bản thân mình vì bất kì ai hết, vì thế, hãy để chúng thỏa sức thể hiện sự kì cục của bản thân, và xem sự khác biệt đó sẽ dẫn chúng đến đâu trong cuộc đời.
13. Chơi
Chơi là công việc của trẻ con. Hãy để chúng chơi và tìm ra đam mê của chính bản thân mình.
14. Trưởng thành
Rồi cũng đến một ngày trẻ khôn lớn, đừng coi chúng mãi là những đứa trẻ.
Bài viết này chủ yếu nói về cách thức để trẻ được thực sự làm một đứa trẻ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, bố mẹ cũng sẽ nhận ra rằng bố mẹ đã ép con mình lớn lên quá nhanh, và rồi chỉ muốn chúng là trẻ con mãi mãi. Chúng sẽ mãi là bé của bạn, nhưng sẽ không bao giờ là một đứa bé. Khi đến thời điểm thích hợp, hãy đối xử với trẻ như bạn đã từng chuẩn bị cho chúng lâu nay: một người trưởng thành độc lập và thông minh.
Theo Afamily