Cụ thể là các tỉnh: Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Nam, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn và Nghệ An có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh đã lên đến gần 37.000 con, trong đó đã có trên 14.800 con chết và bị tiêu hủy.
Số lợn mắc bệnh đã lên đến gần 37.000 con. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch lợn tai xanh, Cục Thú y yêu cầu cầu các trạm, chốt kiểm dịch động vật nội địa phải bố trí trực 24/24h; lập sổ theo dõi việc vận chuyển, xử lý các trường hợp chủ hàng vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không đúng quy định.
Theo nhận định của Cục Thú y, dịch bệnh tai xanh đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lan rộng trong những ngày tới rất cao. Nguyên nhân chính làm dịch lây lan nhanh là do các tư thương thu gom lợn ở các tỉnh, vận chuyển qua vùng có dịch, đặc biệt tại các tỉnh đang có dịch người dân bán chạy lợn ốm hoặc giết mổ lợn ốm để bán ở các chợ hoặc vận chuyển lợn, sản phẩm thịt lợn từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh miền Trung, miền Nam để tiêu thụ.
Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh thông báo, ngày 29/4 vừa qua, Trạm kiểm dịch Gia Lách, huyện Nghi Xuân đã phát hiện xe ô tô mang biển số 98 K – 3587, vận chuyển 61 con lợn từ Bắc Giang vào Hà Tĩnh, trong đó 2 con đã chết, số còn lại đều có sốt, nhiệt độ từ 39 độ 7 – 40 độ 3, kết quả xét nghiệm có 2 mẫu dương tính với bệnh tai xanh. Cơ quan Thú y vùng II và vùng III cũng cho biết mới phát sinh ổ dịch tại xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) và ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An)…
Ngày 2/5/2010, Cục Thú y đã yêu cầu các trạm, chốt kiểm dịch động vật nội địa phải bố trí trực 24/24h; lập sổ theo dõi việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, xử lý các trường hợp chủ hàng vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không đúng quy định như không có giấy chứng nhận kiểm dịch, hoặc có giấy nhưng không hợp lệ; thông báo cho Chi cục Thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch biết những trường hợp cấp giấy chứng nhận kiểm dịch không đúng quy định.
Ngoài ra, Chi cục trưởng Chi cục Thú y phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho chủ hàng cũng như để xảy ra hiện tượng vận chuyển lợn ốm qua các trạm, chốt kiểm dịch động vật nội địa. Đặc biệt, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên các tuyến đường, nhất là đường Hồ Chí Minh.
Cục Thú y cũng đề nghị Sở Công an, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh cử lực lượng tham gia kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn qua các trạm chốt kiểm dịch; cán bộ thú y kiểm tra toàn bộ số lợn, sản phẩm của lợn đi qua các chốt, trạm kiểm dịch ; báo cáo ngay về Cục Thú y các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không đúng quy định, nội dung vi phạm, kết quả xử lý.
Chi cục Thú y TP Hà Nội cho biết, từ ngày 3/5 đến hết ngày 5/5, Hà Nội tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc môi trường để khống chế dịch lợn tai xanh đang xuất hiện ở một số địa phương ngoại thành, đặc biệt chú trọng ở các vùng nguy cơ cao như các ổ dịch cũ, các địa điểm kinh doanh buôn bán giết mổ, các chợ, các nơi thu gom chất thải.
Quang Anh