112.000 nhân viên cảnh sát Pháp bị rò rỉ thông tin trên mạng

Hơn 112.000 nhân viên cảnh sát Pháp bị rò rỉ thông tin cá nhân trực tuyến sau khi vợ chồng nhân viên cảnh sát Jean-Baptiste Salvaing bị sát hại tại nhà riêng đã làm rúng động nước Pháp. Chính quyền Pháp cho biết, sẽ điều tra vụ việc một cách khẩn trương, đồng thời có giải pháp để bảo mật danh tính cho các nhân viên cảnh sát.

112.000 nhân viên cảnh sát Pháp bị rò rỉ thông tin trên mạng
112.000 nhan vien canh sat Phap bi ro ri thong tin tren mang - Anh 1

Vụ rò rỉ thông tin của hơn 112.000 nhân viên cảnh sát xảy ra hai tuần sau khi vợ chồng nhân viên cảnh sát Jean-Baptiste Salvaing và Jessica Schneider bị Larossi Abballa, đối tượng thề trung thành với IS sát hại

Phần tử IS sát hại vợ chồng cảnh sát Pháp

Trung tuần tháng 6, Larossi Abballa, một tên tự xưng là chiến binh thánh chiến của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tấn công hai vợ chồng nhân viên cảnh sát Pháp là Jean-Baptiste Salvaing và Jessica Schneider ngay trước mặt cậu con trai 3 tuổi tại nhà riêng ở vùng ngoại ô Magnanville, Thủ đô Paris. Các phương tiện truyền thông Pháp đưa tin, Larossi Abballa đã đột nhập vào nhà của Jean-Baptiste Salvaing và Jessica Schneider, tấn công hai người bằng dao. Larossi Abballa tin rằng, mình hành động theo lý tưởng của IS và có mục đích tiêu diệt những “kẻ ngoại đạo”.

Khi tấn công Salvaing, Larossi Abballa đã hét lên vài tiếng “Allahu Akbar”. Trong một đoạn video do chính Larossi Abballa thực hiện được đăng tải trên Facebook, tên này cho biết sẽ thực hiện những cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào dân thường ở châu Âu và Mỹ trong tháng Ramadan. Cảnh sát đã nổ súng bắn chết Larossi Abballa. Cậu con trai 3 tuổi của vợ chồng Jean-Baptiste Salvaing may mắn thoát chết. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Pháp François Hollande đã nói rằng: “Đó là một hành động ghê tởm. Ánh sáng công lý sẽ được thực thi, bản chất của vụ việc sẽ sớm được làm sáng tỏ”.

Cảnh sát Pháp cho biết, đây là vụ tấn công đầu tiên xảy ra trên đất Pháp kể từ vụ khủng bố Paris vào tháng 11 năm ngoái làm 130 người thiệt mạng. Đồng thời, đây cũng là vụ tấn công thứ hai mà IS lên tiếng chịu trách nhiệm trong thời gian diễn ra lễ Ramadan năm nay. Trước đó là vụ Omar Mateen tấn công vào một hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando, Florida, Mỹ khiến 49 người thiệt mạng.

Đảm bảo yếu tố bí mật

Đúng 2 tuần sau vụ án mạng làm chấn động nước Pháp nói chung và lực lượng cảnh sát Pháp nói riêng xảy ra, bỗng dưng thông tin cá nhân của hơn 112.000 sĩ quan cảnh sát Pháp đã bị rò rỉ trên mạng. Mutuelle Générale de la Police (MGP), một đơn vị chuyên chăm lo sức khỏe và bảo hiểm cho cảnh sát Pháp đã xác nhận thông tin trên.

MGP cho biết, thông tin cá nhân, bao gồm cả số điện thoại cá nhân, địa chỉ nhà riêng của cán bộ đang công tác và đã nghỉ hưu được tải lên Google Drive. Các nhân viên của MGP trả lời phóng viên kênh truyền hình FranceTV rằng, các tập tin đã được cài đặt mật khẩu bảo vệ và chưa xác định được dữ liệu đã bị vi phạm hay chưa. “Cuộc điều tra về sự rò rỉ thông tin sẽ kéo dài trong vài tuần. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa ra kết luận sớm và chính xác nhất”, một nhân viên điều tra nói với các phương tiện truyền thông Pháp.

Lo ngại tình hình khủng bố leo thang, Chính phủ Pháp đã quyết định cho phép nhân viên cảnh sát được mang súng về nhà. Sau vụ hai vợ chồng nhân viên cảnh sát Jean-Baptiste Salvaing bị sát hại, biện pháp đảm bảo an ninh cho các nhân viên sẽ được tăng cường. Nicolas Conte, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Cảnh sát Pháp khẳng định: “Những gì đã xảy ra là cực kỳ đáng lo ngại. Chính phủ cần có biện pháp khẩn cấp đảm bảo an ninh cho các nhân viên”. Một số chuyên gia trong lĩnh vực an ninh cho hay, một trong những yếu tố cần thiết để đảm bảo an toàn cho các nhân viên cảnh sát hiện nay là bảo mật danh tính cá nhân cũng như những người thân trong gia đình họ. Tổng thống Pháp François Hollande cũng cho biết, trong thời gian tới, một trong những biện pháp an ninh được tăng cường là đảm bảo yếu tố bí mật danh tính cá nhân cho các nhân viên cảnh sát.

Để đảm bảo an ninh, Pháp đã triển khai rộng rãi phần mềm chống khủng bố trên điện thoại di động. Ứng dụng có tên gọi là SAIP, có thể dùng trên hệ điều hành iOS và Android. Ngôn ngữ chính là tiếng Pháp và tiếng Anh. Theo đó, khi có thông tin về khủng bố, lực lượng chức năng sẽ phát đi thông báo qua các thiết bị điện tử thông minh và người dùng có thể tránh được những mối nguy hiểm.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...