10 sự kiện môi trường nổi bật năm 2014

Sáng 31-12, Tin Môi Trường cùng các nhà báo chuyên viết về lĩnh vực môi trường trong nước đã cùng bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi cộm trong nước của năm 2014.

Hang Sơn Đoòng nằm trong quần thể hang động Phong Nha- Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới.
Hang Sơn Đoòng nằm trong quần thể hang động Phong Nha- Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới.

Kết quả được chọn là những sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành môi trường trong nước. Chúng được sắp xếp theo thứ tự thời gian như sau:

1. Hang Sơn Đoòng vào nhóm hang động kỳ vĩ nhất thế giới

Khảo sát được tạp chí Business Insider công bố ngày 9-1 cho biết hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, được kiến tạo từ khoảng 2-5 triệu năm trước bởi dòng sông ngầm dưới dãy núi đá vôi. Hang có rộng 150m, cao hơn 200m, dài ít nhất 5km. Trong danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới còn có hang Ngọc Lục Bảo (Thái Lan), Waitomo Glowworm (New Zealand), Crystal Caves of Naica (Mexico), Blue Grotto (Ý), Fingal (Scotland), Lascaux (Pháp) …

Cuối năm 2014, Barcroft Media (Hãng truyền thông quốc tế trụ sở ở Anh) cũng công bố bức ảnh chụp hang Sơn Đoòng là một trong những bức ảnh ấn tượng nhất năm 2014.

2. Loài thú tuyệt chủng 85 năm trước trên thế giới “sống” lại

Ngày 5-3, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), cho biết loài Mang thuộc họ hươu nai, có tên khoa học là Muntiacus rooseveltorum được coi đã tuyệt chủng từ năm 1929 bỗng xuất hiện tại khu bảo tồn.

Loài Mang Muntiacus rooseveltorum được các nhà khoa học ghi nhận tại tỉnh Hủa Phăn (Lào). Mẫu sọ loài này được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ. Theo ông Hải, từ năm 2012 - 2014, Trung tâm Cress (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với đơn vị điều tra, bảo tồn các loài Mang tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Trong quá trình điều tra, đoàn chuyên gia đã chụp được ảnh của loài Mang này ở khu bảo tồn và phát hiện được mẫu phân cũng như tìm thấy mẫu sừng và da của loài Mang được cho tuyệt chủng trong nhà dân săn bắn được.

3. Ô nhiễm nguồn nước vượt mức kiểm soát

“Ô nhiễm nguồn nước Việt Nam đang vượt khỏi khả năng kiểm soát do các hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh và dịch vụ. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải khẩn trương xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh để năng ngừa ô nhiễm nước” - Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc tế về kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 17-4.

Việt Nam được đánh giá có tài nguyên nước dồi dào song mức độ ô nhiễm nước ngày càng gia tăng do biện pháp kiểm soát không hiệu quả. Tại một số địa phương Việt Nam, khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ đã thấy 40-50% là do từ dùng nước ô nhiễm. Trung bình, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Cũng theo đó, hàng năm có khoảng 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

4. Thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014

Ngày 23-6-2014, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Luật Bảo vệ Môi trường 2014 gồm có 20 chương, 170 điều trong đó làm rõ trách nhiệm của Nhà nước về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng về bảo vệ môi trường; xác định rõ hơn nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường và nhiệm vụ được chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường.

Luật cũng bổ sung thêm nội dung mới về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; gắn kết bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường với biến đổi khí hậu, nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát triển công nghiệp và đô thị sinh thái, khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường. Luật này có hiệu lực từ đầu năm 2015.

5. Đảo Lý Sơn mất 1km2 đất do biển xâm thực

10 sự kiện môi trường nổi bật năm 2014 ảnh 4

Diện tích đất trên đảo Lý Sơn ngày càng bị thu hẹp do biển xâm thực “ăn” đất trên đảo. Trong vòng 40 năm sau, đảo Lý Sơn mất 1km2. Các nhà khoa học nhận định, đảo Lý Sơn tiếp tục bị thu hẹp dần do áp lực biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nếu không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ. Cảnh báo này được đưa ra tại Hội thảo Quốc gia do Ban kinh tế trung ương tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 1-10….

6. Hào Dương bị phạt hơn 6,3 tỉ đồng

Ngày 18-11, UBND TP.HCM xử phạt Công ty Hào Dương (khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) hơn 6,3 tỉ đồng do xả trộm nước thải chưa xử lý ra môi trường. Ngoài phạt tiền, UBND TP cũng buộc Công ty Hào Dương thực hiện quan trắc, giám sát môi trường đầy đủ; thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt và có biện pháp quản lý chất thải nguy hại theo đúng quy định.

7. Việt Nam có khu Ramsar biển đầu tiên

Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) thứ 2.203 của thế giới, thứ 6 của Việt Nam. Đây cũng là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.

Vườn quốc gia Côn Đảo hội tụ cả bốn hệ sinh thái rừng, biển đặc sắc và hiếm có trên thế giới và đã được Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu và là khu vực trọng điểm nằm trong kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam.

Ngày 1-11, Vườn quốc gia này đã đón nhận bằng công nhận (do tổ chức công ước Ramsar trao tặng) là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

8. Hoàn thành báo cáo về biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã hoàn thành báo cáo cập nhật hai năm/lần lần thứ nhất cho Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Báo cáo được gửi đến Ban Thư ký Công ước khí hậu trước khi tổ chức Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP20) vào tháng 12-2014 tại Lima, Pê-Ru.

Việt Nam là một trong các nước đang phát triển sớm hoàn thành báo cáo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Báo cáo này sẽ là tài liệu quan trọng giúp xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

9. Hầm thủy điện “nhốt” 12 công nhân nhiều ngày

Từ 7 giờ sáng 16-12 tại công trình thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị sập hầm và “nhốt” 12 công nhân bên trong hầm

Có trên 700 người là đến từ nhiều lực lượng quân đội, công an, y tế… nỗ lực suốt ngày đêm để cứu hộ và đến 16 giờ 30 ngày 19-12 mới giải thoát được cho các công nhân. Như vậy, sau gần 82 giờ bị “nhốt” trong đoạn hầm bị đất đá vùi lấp, 12 công nhân mới được lực lượng cứu hộ giải cứu thành công khỏi hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo .

Điều đáng nói là mặc dù biết địa chất ở đây rất yếu, không bảo đảm an toàn, nhiều nhà thầu phải dừng vì không thể thực hiện nhưng chủ đầu tư thủy điện Đạ Dâng vẫn quyết làm để dẫn đến hậu quả như đã nêu.

10. Hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á ở Tây Nguyên

Sau bảy năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Tổng cục Địa chất & Khoáng sản và Hội hang động Nhật Bản đã khám phá hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á nằm ở Tây Nguyên - Di sản thiên nhiên độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm.

Phát hiện chấn động này được công bố ngày 26-12, mở ra tiềm năng du lịch to lớn cho khu vực Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện được hệ thống hang động núi lửa gồm các hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham cách đây hàng triệu năm.

Hệ thống hang động núi lửa ở Tây Nguyên được phát hiện ở tỉnh Đắk Nông, chủ yếu huyện Krông Nô. Dài khoảng 25km từ miệng núi lửa tại buôn Choar dọc theo sông Sêrêpốc đến khu vực thác Dray Sáp với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau. Hang động lớn nhất có chiều dài trên 1.000m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc rất độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ. Hang động nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống.

Theo plo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ