Hơn 10 năm nay, người dân sống quanh chợ khu Nam đã quen với hình ảnh người phụ nữ cầm ô đứng chắn trước lối vào đường ray mỗi khi tàu chạy qua ngăn không cho người dân tùy tiện vượt sang đường. Cuộc đời vất vả, nhiều khổ đau không ngăn cản được tấm lòng thiện nguyện, vì cộng đồng của chị.
Tình nguyện gác chắn đường ngang
Gần 17 giờ ngày 5/11, khu vực chợ khu Nam tấp nập người mua hàng, xe cộ qua lại. Có tiếng còi tàu từ xa vọng lại, bỗng từ góc sạp hàng nhỏ bán thực phẩm, một phụ nữ đứng dậy, cầm ngay chiếc ô che sạp hàng chắn ngang đường dân sinh cách đường ray khoảng 4-5m, rồi dang hai tay ngăn các phương tiện dừng lại. Nhìn thấy hành động của chị, không ai bảo ai, những người tham gia giao thông đến đây lập tức dừng xe, chờ tàu đi qua.
Tàu qua, chị lại vác ô trở về chỗ ngồi tiếp tục bán hàng như thường. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị Hoa - người bán hoa quả kế bên kể, đó là hình ảnh quen thuộc ở đây từ nhiều năm nay. “Chúng tôi gọi chị Tình là “barie sống” đấy”, chị Hoa vui vẻ nói.
Chị Nguyễn Thị Tình tâm sự, hơn 10 năm qua, bán hàng tại đây, chị chứng kiến nhiều vụ tai nạn tàu hỏa, chủ yếu do người tham gia giao thông qua đường ray không chú ý quan sát.
Không đành lòng, chị quyết định tự nguyện đứng ra cảnh giới cho các phương tiện tham gia giao thông khi tàu chuẩn bị qua đường ngang.
“Thời gian đầu, mọi người bảo tôi “ôm rơm rặm bụng”, có người đi đường bị chặn lại còn phản ứng, nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả, chỉ với mong muốn góp phần kéo giảm TNGT đường sắt qua tuyến đường này” - Chị Tình nói.
Chị kể thêm: Có hôm, chiếc xe taxi định qua đường ngang đúng lúc tàu sắp đi qua, chị vội vàng chạy ra đứng trước đầu xe chặn lại. Lái xe tưởng chị định tự tử, thò đầu quát lớn: “Bà bị điên à?”. Mấy giây sau, tàu chạy qua, lái xe mới giật mình vội mở cửa xe xin lỗi chị.
Rồi có lần, chị vừa đi lễ chùa về đến chợ, vẫn còn mặc bộ áo bà ba màu đen thì thấy tàu sắp qua. Chị chưa kịp lấy ô ra chắn đường ngang thì bỗng có cậu thanh niên đi xe máy định vượt đường tàu.
Chị liền lao ra túm lấy đuôi xe giữ lại, thì cậu thanh niên nghĩ chị bị điên nên hất tay chị ra đi tiếp rồi đâm thẳng vào tàu, xe máy bị tàu kéo cả chục mét, người may mắn bắn ra ngoài không việc gì. Cho tới mấy ngày sau, cậu này cùng vợ con đến nhà chị cảm ơn và xin nhận làm chị em kết nghĩa.
Trao đổi với PV báo Giao thông, ông Phạm Công Huấn - Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên - cho biết: Tuyến đường sắt từ Gang Thép đi Trại Cau có nhiều đoạn đường ngang dân sinh nhưng đoạn cắt qua chợ khu Nam là nguy hiểm nhất do lượng người lưu thông qua đây lớn, cộng với chợ họp sát hành lang đường tàu. Bởi thế, nơi đây nổi tiếng là điểm “nóng” về TNGT giữa tàu và các phương tiện khác, nhưng vẫn chưa được đầu tư gác chắn. Vì vậy, việc làm của chị Tình đã góp phần tích cực đảm bảo TTATGT nơi đây.
“Những năm gần đây, nhờ việc làm ý nghĩa của chị Tình mà các vụ TNGT giảm hẳn, nhiều người thoát chết trong gang tấc vì trước đó mải nghe nhạc, nghe điện thoại, đội mũ bảo hiểm kín mà không nghe thấy còi tàu báo hiệu cứ thế băng qua đường” - Ông Ngô Quang Hòa (người dân sống cạnh đường tàu chợ khu Nam) cho biết.
Được biết, thấy việc làm ý nghĩa của chị Tình, ông Hòa là một trong số ba người dân đã đứng lên thay chị Tình làm gác chắn những buổi chị bận chưa kịp ra chợ khi tàu chạy qua.
Nghèo vật chất, giàu ân tình
Dựng chiếc xe cà tàng chở lỉnh kỉnh hàng hóa còn lại sau buổi chợ chiều, chị Nguyễn Thị Tình vội mở khóa cửa căn phòng thuê trọ nhỏ hẹp mời chúng tôi vào.
Rót nước mời khách, chị giãi bày, phòng trọ này chị thuê 300 nghìn đồng/tháng, hơi nhỏ và ẩm thấp nhưng “cũng có chỗ che mưa, che nắng lo cho con ăn học”.
Lấy chồng năm 1998, anh chị được bố mẹ chồng cho miếng đất 7m2, đã làm lụng xây được ngôi nhà nhỏ, rồi vui mừng đón bé Nguyễn Quỳnh Hoa chào đời.
Nhưng năm 2008, anh đột ngột bị ung thư vòm họng rồi ra đi. Khi ấy, bé Hoa mới được 3 tuổi. Một tháng sau, bố chị bị đột tử rồi qua đời. Nỗi đau chồng nỗi đau, chị kiệt quệ để rồi bị ngã cầu thang, hôn mê suốt 1 ngày đêm mới tỉnh lại.
“Ngày ấy, ai cũng nghĩ tôi không qua khỏi. Mọi người bảo suốt 1 ngày 1 đêm tôi hôn mê, bé Hoa bíu chặt lấy mẹ không rời. Có lẽ con bé là dây nối kéo tôi tỉnh lại, sống để nuôi con” - Chị Tình kể.
Nhưng vất vả chưa dừng ở đó với chị Tình. Hai năm sau ngày chồng mất, phía bên nội gây sức ép, đòi lại ngôi nhà 7m2 đã cho vợ chồng chị. Không một lời oán trách, chị dắt con đi thuê nhà trọ, lặn lội buôn bán, làm thuê để nuôi con nên người.
Không phụ lòng mẹ, bé Hoa ngoan ngoãn, học giỏi, hiếu thảo. Suốt 11 năm học, Hoa liên tục là học sinh giỏi, 2 lần đoạt giải trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học và được nhận học bổng “Nữ sinh tài năng Việt Nam” của Bộ GD&ĐT. Chỉ lên những tấm giấy khen dán kín tường nhà, chị Tình nói đầy tự hào “Đó chính là niềm an ủi lớn nhất để chị vui sống”.
Ngày 20/10/2015, chị Nguyễn Thị Tình được Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen vì thành tích đảm bảo TTATGT trên địa bàn.
Chị Tình bảo, như mối lương duyên từ kiếp trước, trong dịp được Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen, chị gặp bà Nguyễn Thị Thụy (SN 1948, xóm Múc, xã Úc Kỳ, Phú Bình,Thái Nguyên), bà nội của hai em Dương Văn Linh (13 tuổi) và Dương Thị Trà My (11 tuổi) mồ côi cha mẹ vì TNGT.
Đó cũng là trường hợp báo Giao thông kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm dành cho các em trong bài viết Xót cảnh hai trẻ mồ côi chăm ông nội liệt nửa người.
Đồng cảm trước hoàn cảnh éo le của gia đình bà Thụy, đúng 49 ngày mất của bố mẹ hai bé, chị về thăm nhà bà Thụy. Hôm đó, sau khi ra thăm mộ bố mẹ trở về nhà, hai bé Linh và My vừa thấy chị dang tay ra liền chạy đến ôm chầm lấy chị khóc nức nở. Từ hôm đó, chị xin phép được đi lại và trở thành mẹ nuôi của hai bé.
Trò chuyện PV, bà Thụy xúc động nói: “Chị Tình như con cái trong nhà. Tháng 3 vừa qua, ông nhà tôi bị tai biến rồi nằm liệt cả tháng trên viện.
Cứ tối tối, Tình lại vào phụ tôi chăm ông. Nhận các cháu là con nuôi, Tình cứ nắm tay tôi khóc nói con nghèo lắm bác ạ, nhưng giúp gì được cho hai con, con sẽ hết sức”.
Thế là người phụ nữ với cuộc đời lận đận giờ có thêm 2 đứa con xinh xắn. Hàng tuần, chị lại sắp xếp đi gần 30km về thăm hai bé Linh, My.
Tối tối, chị gọi điện hỏi thăm, nhắc các con học hành. Thấy chị đi lại vất vả lại phải thuê nhà sống, bé Linh xin chị chuyển về sống cùng bà và hai anh em. Nhưng chị bảo, chị còn đang bận công việc buôn bán trên này.
Từ ngày có thêm hai em, Hoa như trưởng thành hơn. Em tâm sự, sắp tới thi Đại học, em sẽ cố gắng thi đỗ Đại học Y, rồi vừa học vừa làm thêm phụ mẹ lo cho hai em Linh và My.