Giấc mơ là một trong số những hiện tượng tự nhiên ở con người mà các nhà khoa học vẫn biết rất ít về chúng cho đến thời điểm hiện tại.
Các nhà nghiên cứu hiện tại có thể xác định được một vài sự kiện liên quan đến giấc mơ nhưng vẫn chưa lí giải một cách thấu đáo nhất về hiện tượng này.
Một người bình thường nằm mơ trung bình 2 giờ mỗi đêm và hầu hết đều quên tất cả khi thức dậy vào sáng hôm sau. Nhiều câu hỏi liên quan đến giấc mơ đến bây giờ vẫn là bí ẩn của khoa học.
Tại sao khi mơ chúng ta có thể suy nghĩ theo những cách mà bình thường chúng ta không thể. Trong thực tế, nhiều khám phá quan trọng của các nhà khoa học đã được họ thực hiện trong giấc mơ. Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua vài trường hợp kì lạ như vậy.
1. Cấu trúc giải phẩu của cá Fossil
Louis Agassiz - Nhà tự nhiên học gốc Thụy Sỹ được xem là cha đẻ của khoa học hiện đại Mỹ. Ông được nhiều người biết đến với công trình nghiên cứu về cá hóa thạch (Research on Fossil Fish), được công bố vào khoảng thời gian từ 1833 đến 1843.
Trong khi đang nghiên cứu về một loại hình cụ thể của cá hóa thạch, Agassiz bị vướng phải vấn đề là cần làm rõ cấu trúc giải phẫu của một con cá bị hóa thạch trên một tảng đá.
May mắn thay, hai đêm liên tiếp, ông mơ về các loài cá trong tình trạng hoàn hảo, nhưng than ôi, ngay sau khi thức dậy, ông không thể nhớ những chi tiết về giải phẫu của con cá.
Do đó, vào đêm thứ ba, Agassiz để lại một cây bút và tờ giấy bên cạnh giường của mình và cầu nguyện giấc mơ sẽ lập lại một lần nữa.
Như ông mong muốn, giấc mơ đã lặp lại và ông đã vẽ lại hình ảnh giải phẫu con cá trong tình trạng mơ ngủ và sau đó đi ngủ trở lại. Sáng hôm sau khi thức dậy, nhà khoa học đã rất ngạc nhiên với bản vẽ chính xác đến từng chi tiết của mình. Đây cũng là mấu chốt vấn đề giúp Agassiz hóa giải được bí ẩn của tảng đá hóa thạch.
2. Thiết kế máy may
Nhà sáng chế người Mỹ, Elias Howe đăng kí bằng sáng chế về chiếc máy may vào năm 1846, một trong những tính năng cần thiết để vận hành bộ máy này là một chiếc kim khâu.
Điều đáng ngạc nhiên là nhà sáng chế này đã nghĩ ra ý tưởng về chiếc máy may ngay trong giấc mơ của ông. Cụ thể, một đêm ông mơ thấy một vị vua độc ác giao cho mình nhiệm vụ phải chế tạo chiếc máy may trong vòng 24 giờ, nếu không thành công ông phải nhận lấy cái chết.
Khi gần hết thời hạn, ông nhận thấy mũi giáo của quân lính nhà vua đã đâm gần đến đầu mình. Thế là ông bật dậy, lao đến xưởng máy của mình và miệt mài làm việc để hoàn thiện phát minh của mình với ý tưởng cây kim khâu lấy từ đầu mũi giáo trong giấc mơ.
3. Thuyết tương đối
Khi còn là một thiếu niên, Albert Einstein đã có một giấc mơ kỳ lạ mà cuối cùng dẫn đến một trong những khám phá quan trọng nhất của mình. Trong mơ, ông nhìn thấy những con bò thò đầu qua hàng rào dây điện ra bên ngoài để ăn cỏ.
Điều này giúp Einstein nhận thức được việc không có dòng điện chạy qua dây. Khi nhìn sang phía đối diện, ông thấy một người nông dân nối dây với nguồn điện và những con bò giật bắn người lên vì bị điện giật.
Khi nói chuyện với người nông dân, ông cho rằng mình nhìn thấy những con bò phản ứng ngay lập tức đến thời điểm hai người nói chuyện, ngược lại, người nông dân nói những con bò chỉ nhảy lên một lúc và con bò gần ông nhảy trước, rồi đến con tiếp theo, cứ thế diễn ra.
Giấc mơ đã giúp Einstein khám phá ra tốc độ của ánh sáng là rất nhanh nhưng không phải là vô cùng nhanh chóng. Hơn nữa, sự khác biệt trong nhận thức giữa ông và người nông dân giúp ông nhận ra được khái niệm thời gian chỉ mang yếu tố tương đối.
4. Chất dẫn truyền thần kinh
Vào một đêm năm 1921, Otto Loewi, nhà dược học người Đứng mơ thấy mình thực hiện một thí nghiệm quan trọng, sau đó ông đã bút kí lại những điều này trước khi ngủ trở lại.
Khi tỉnh dậy, ông đã không tài nào hiểu nổi những nét vẽ nguệch ngoạc của mình và đã bị dày vò bởi ước muốn tái tạo lại những gì đã mơ thấy.
Tuy nhiên, đêm sau ông lại có cùng một giấc mơ, điều khác biệt là lần này khi tỉnh lại ông đã có thể thực hiện và hoàn thành thí nghiệm của mình hai tuần sau đêm nằm mơ.
Các thí nghiệm liên quan đến sự kích thích hóa học xảy ra giữa hai trái tim ếch. Mười lăm năm sau, với việc phát hiện ra các chất hóa học dẫn truyền thần kinh, Loewi đã nhận được giải thưởng Nobel về Sinh học và Y học.
5. Cấu trúc của Benzen
August Kekulé, nhà hóa hữu cơ người Đức đã đã tạo ra lý thuyết của ông về cấu trúc của phân tử benzen sau khi mơ thấy một con rắn cắn đuôi của chính mình. Giấc mơ xảy ra khi August Kekulé đã bỏ thời gian nghiên cứu nhiều trên phương diện lý thuyết nhưng chưa đạt được sự tiến bộ nào.
Cuối cùng vì quá mệt mỏi ông đã ngủ gục trước một ngọn lửa và khi tỉnh dậy ông nhận ra rằng hình dạng của Ouroboros (con rắn cắn đuôi chính mình) tương tự như cấu trúc của Benzen với 6 nguyên tử cacbon liên kết tạo thành một vòng lục giác.
Ngày nay, mặc dù Benzen bị tránh sử dụng trong nhiều trường hợp vì có thể gây ung thư nhưng phát minh này đã mở màn cho việc phát hiện những cấu trúc tương tự trong hóa học.
6. Giấc mơ về cuộn giấy có các công thức toán học khác nhau
Srinivasa Ramanujan, một trong những nhà toán học nổi tiếng nhất Ấn Độ mặc dù ông không được đào tạo một cách bài bản về bộ môn này.
Dù vậy, ông vẫn có nhiều đóng góp khó tin cho nền toán học bao gồm các mệnh đề của Ramanujan và công thức tính chuỗi vô hạn của số π. Điều kì diệu là ông cho biết mình lấy ý tưởng nghiên cứu từ nữ thần Mahalakshmi mà gia đình ông thờ cúng.
Trong giấc mơ, nữ thần đã cho ông một giọt máu và một cuộn giấy có chứa các khái niệm phức tạp về toán học. Khi thức dậy, Ramanujan đã ghi lại những gì mình nhớ và hầu hết các khái niệm này về sau được chứng minh là đúng.
7. Phát minh của Bohr về cấu trúc nguyên tử
Năm 1922, nhà vật lý Đan Mạch, Neils Bohr nhận giải Nobel Vật lý cho nghiên cứu của ông về cấu trúc nguyên tử. Khá ngạc nhiên là bản chất của nguyên tử lại được nhà khoa học này khám phá ra trong giấc mơ.
Cụ thể hơn, một đêm, Bohr mơ thấy các hành tinh quay xung quanh nó trong khi gắn kết với mặt trời. Khi tĩnh dậy, ông nhận thấy có thể sử dụng cấu trúc của năng lượng mặt trời vào việc làm rõ cấu trúc của phân tử.
Phát hiện này mở ra một cánh cửa cho loài người trong việc hiểu biết một cách sâu sắc hơn về bản chất của nguyên tử.
8. Phương pháp nghiên cứu khoa học
Ngày 10/11/1619, nhà khoa học, triết gia, nhà toán học Rene Descartes đã kiết sức sau một ngày suy nghĩ căng thẳng nên đã chìm vào giấc ngủ.
Ông đã có 3 giấc mơ kì lạ, đầu tiên ông thấy mình đứng giữa cơn lốc và những bóng ma trong khi chờ nhận được 1 quả dưa từ nơi xa xôi. Giấc mơ thứ hai là về cơn giông bão xảy ra trong chính căn phòng của ông.
Cuối cùng là một không gian yên lặng với một người xa lạ và tổ chức làm thơ. Khi tỉnh dậy Descartes hiểu giấc mơ của mình để có nghĩa là tất cả mọi thứ trên thế giới có thể được phân tích bằng phương pháp của khoa học.
Nhiều năm sau đó, khái niệm này được phát triển thành phương pháp nghiên cứu khoa học và vẫn là phương pháp được chấp nhận rộng rãi nhất cho đến nay.
9. Insulin cho người bị tiểu đường
442 Adelaide St. N., London, Ontario là địa chỉ của Banting House, một địa điểm du lịch tại Canada. Đây là nhà của Frederick Banting - Nhà khoa học đầu tiên sử dụng insulin trên người.
Một trong những điểm thu hút của căn nhà này là chiếc giường của Banting, nơi ông đã đưa ra ý tưởng về cách làm thế nào để sử dụng insulin điều trị bệnh tiểu đường.
Vào ngày 31/10/1920, Banting đã đi vào giấc ngủ và mơ về một thí nghiệm đặc biệt. Khi ông tỉnh dậy, ông đã thực hiện các thí nghiệm đó và chứng minh rằng insulin có thể được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Phát hiện này sau đó giúp ông giành được giải thưởng Nobel năm 1923 về Sinh lý học và Y học.
10. Những tiến bộ trong sự phát triển của bảng tuần hoàn các nguyên tố
Nhà khoa học Dmitri Mendeleev của Nga được cho là người thúc đẩy sự hiểu biết về các nguyên tố hóa học bằng cách phát triển một phiên bản mở rộng của bảng tuần hoàn.
Vào năm 1860, không có phương tiện đo chính xác khối lượng nguyên tử của các nguyên tố, do đó hầu như không thể sắp xếp chính xác thứ tự các phần tử trong một bảng.
Tuy nhiên, bằng các tính toán và suy đoán của mình, Mendeleev đã gần như hoàn thành một bảng tuần hoàn đầy đủ của các nguyên tố hóa học.
Điều kỳ lạ là thành quả này đến khi ông cảm thấy bế tắc với các nghiên cứu của mình và rơi vào giấc ngủ sâu, nơi ông thấy "các nguyên tố được sắp xếp vào một bảng".
Ngay khi thức dậy, ông đã tiến hành điều chỉnh bảng tuần hoàn theo giấc mơ đó và khoa học sau này vẫn còn rất ngạc nhiên về độ chính xác của nó.