Nhiều phụ nữ thường giữ lại những câu hỏi trong đầu thay vì tìm đến bác sĩ vì sợ bị cho là phiền toái. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bạn nên tìm đến những giải pháp y tế để giữ sức khỏe của mẹ và bé được an toàn. Dưới đây là 10 tình huống điển hình bạn nên gọi cho bác sĩ.
Phụ nữ có thai không nên giữ kín những triệu chứng mình gặp phải dù là nhỏ nhất. Ảnh: Stock.
Chảy máu âm đạo
Một số phụ nữ có thể xuất hiện một chút máu vào đầu thai kỳ, trong khi một số người khác gặp tình trạng này trong suốt thai kỳ. Điều này có thể là dấu hiệu của việc sảy thai hoặc làm ảnh hưởng đến nhau thai, gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Nếu bạn bị chảy máu bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, việc tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ luôn luôn là cần thiết.
Đau
Nhiều người sẽ cảm giác đau lưng, đau dây chằng hay chuột rút ở chân khi mang thai. Nhưng việc đau giữa lưng lại là dấu hiệu của nhiễm trùng thận, ngay cả khi bạn không bị đau khi đi tiểu hoặc thường xuyên muốn đi tiểu.
Nếu bạn có cảm giác đau đớn theo đợt hoặc liên tục, đặc biệt là vào cuối thai kỳ, đó có thể là dấu hiệu của sinh non hoặc nhau thai bong non.
Sưng
Nếu bạn thấy sưng ở bàn tay, bàn chân hoặc mặt, đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Tiền sản giật được chẩn đoán sau 20 tuần của thai kỳ và có thể xảy ra bất ngờ, ngay cả khi bạn không có vấn đề gì khác lạ ở thời điểm đó.
Nước tiểu thay đổi
Nếu bạn nhận thấy nước tiểu đục hoặc có mùi lạ, nó chỉ đơn giản là cơ thể bạn đang bị mất nước.
Nếu tình trạng này tồn tại trong thời gian dài, bạn có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nếu không được điều trị có thể dẫn đến sinh non.
Dịch tiết âm đạo quá nhiều
Dịch tiết âm đạo nhầy là hiện tượng phổ biến trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu điều đó kèm theo cảm giác đau, dịch có mùi hôi hoặc chảy máu, bạn có thể bị nhiễm trùng.
Nếu dịch tiết âm đạo quá nhiều tới mức ướt đẫm đồ lót và không thể kiểm soát, bạn nên nhờ sự trợ giúp của bác sĩ để loại trừ những thay đổi trong cổ tử cung và sinh non.
Cử động của bé
Không có bất cứ quy tắc nào về những hoạt động của thai nhi bên trong bụng mẹ. Nhưng nếu nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt trong những cử động của bé sau tuần thứ 28, bạn nên đặt một cuộc gọi tới bác sĩ.
Em bé của bạn ít hoạt động có thể là do thai nhi buồn ngủ hoặc bạn đang bị mất nước. Nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy dây rốn của thai nhi bị tổn thương.
Ngứa
Da của phụ nữ khi mang thai có thể bị rạn trong quá trình phát triển của em bé, dẫn tới cảm giác ngứa.
Nhưng nếu bạn thấy lòng bàn chân, bàn tay ngứa ran, nó có thể là một dấu hiệu của biến chứng nghiêm trọng hiếm gặp được gọi là ứ mật, gây tích tụ axit mật trong gan. Một dấu hiệu khác của ứ mật là nước tiểu nhạt màu. Bệnh này có thể làm tăng nguy cơ sinh non hoặc thai lưu.
Ảo ảnh
Khi mang thai, bạn có thể cảm giác khô mắt hoặc thấy rằng kính áp tròng không phù hợp như trước. Đó là hai triệu chứng bình thường.
Nhưng nếu bạn có tầm nhìn mờ, mất thị lực ngoại vi hoặc nhìn thấy chấm đen nhỏ trước tầm nhìn thì đó cũng là dấu hiệu của tiền sản giật.
Đau đầu
Thiếu ngủ, những thay đổi trong chế độ ăn uống, sự căng thẳng, nhiều phụ nữ sẽ phàn nàn về chứng đau đầu khi mang thai. Nếu tình trạng đó vẫn còn khi bạn đã cải thiện những điều ở trên, bạn nên tham khảo ý kiến từ chuyên viên y tế bởi nó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
Chuột rút
Nếu bạn thường thấy chuột rút ở chân trong khi đi bộ thì nên nhận sự tư vấn y tế. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống của bạn với nhiều kali hoặc bổ sung canxi.
Tuy nhiên, nếu bạn bị đau ở bắp chân, phía sau đầu gối hoặc bị sưng đỏ, bạn có thể gặp phải tình trạng cục máu đông.