10 dấu hiệu cảnh báo tuần hoàn máu kém và lời khuyên để cải thiện lưu thông máu

GD&TĐ - Hệ tuần hoàn máu có tốt mới đảm bảo cho bạn có một sức khoẻ tuyệt vời, vì máu giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy đi khắp cơ thể.

10 dấu hiệu cảnh báo tuần hoàn máu kém và lời khuyên để cải thiện lưu thông máu

Hệ tuần hoàn xảy ra vấn đề thì sẽ kéo theo hàng loạt các loại bệnh tật khác. Nếu không chữa trị kịp thời còn gây nguy hiểm đến não, tim, gan, thận và tứ chi.

Hệ tuần hoàn máu kém xảy ra bởi nhiều lý do, thường gặp nhất là do bệnh xơ vữa động mạch hay ‘xơ cứng động mạch’, và bệnh động mạch ngoại biên (PAD).

Tuần hoàn máu kém cũng có thể là hậu quả của các bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh tim, béo phì hay đông máu. Hút thuốc, uống quá nhiều rượu, mang thai và rối loạn tiêu hóa cũng có thể dễ dàng gây nên trình trạng máu kém tuần hoàn.

Tìm hiểu những triệu chứng của tuần hoàn máu kém sẽ giúp bạn phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Cần tham khảo ý kiến bác sỹ ngay khi gặp các triệu chứng này, vì nó có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và thậm chí là tử vong. 

Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo hệ tuần hoàn máu kém.

1. Sưng Phù Bàn Chân

Trường hợp sưng bàn chân nhẹ, có thể là do bạn đứng hoặc ngồi ở một tư thế/vị trí trong thời gian dài, lối sống ít vận động, ăn mặn gây tích muối nước, do suy dinh dưỡng, béo phì, hoặc cũng có thể là do hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), mang thai.

Tuy nhiên, nếu bạn bị phù hoặc sưng bàn chân trong một thời gian dài thì nguyên nhân có thể là do tuần hoàn máu kém.

Do thiếu lưu lượng máu, thận không thể thực hiện được nhiệm vụ lọc và đào thải nước tiểu khiến các chất lỏng dư thừa tích tụ tại mô bàn chân gây sưng phù. Trong trường hợp nặng, thiếu máu còn khiến chân dễ bị lở loét.

Nếu nhận thấy chân bị sưng dưới bất kỳ hình thức nào, hãy nâng bàn chân lên cao hơn vị trí của tim, hiện tượng sưng sẽ giảm dần khi lưu thông máu tốt hơn. Cần đi khám bác sỹ trong trường hợp bị sưng nặng, dai dẳng.

2. Tê Bì Tay Chân

Cảm giác tê ở các bộ phận cơ thể nhất định, đặc biệt là ở tay và chân cũng có thể là một dấu hiệu của lưu thông máu kém. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như dây thần kinh điều khiển vận động ở tay chân bị chèn ép, hoặc do lười vận động, chế độ ăn uống thiếu hụt Vitamin B12 hoặc Magne. Đái tháo đường, suy giáp, bệnh đa xơ cứng cũng có thể khiến tay chân bị tê bì.

3. Lạnh Cóng Tứ Chi

Máu lưu thông đi khắp cơ thể giúp duy trì thân nhiệt ổn định. Nếu lưu lượng máu bị gián đoạn, thân nhiệt không được duy trì làm tay chân lạnh cóng.

Khi tuần hoàn màu kém, những khu vực xa trái tim nhất như tay và chân bị giảm nhiệt độ thấy rõ do nồng độ Oxy vận chuyển đến các tế bào giảm. Xoa hai tay hoặc hai chân vào nhau là một phản ứng tự nhiên để kích thích máu về đó nhiều hơn, xua tan cảm giác lạnh buốt chân tay tạm thời.

Một vài nguyên nhân thường gặp khác như các bệnh về tuyến giáp, triệu chứng Raynaud và các biến chứng thần kinh cũng khiến tay chân bị lạnh. Cần hỏi ý kiến bác sỹ ngay khi gặp hiện tượng tay chân lạnh cóng mà không rõ nguyên nhân.

4. Mệt Mỏi Triền Miên

Mệt mỏi là một “tác dụng phụ” thường gặp khi sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc hoặc khi quá gắng sức làm một việc gì đó, tuy nhiên mệt mỏi kéo dài cũng có thể là do thiếu máu, tuần hoàn máu kém. Các cơ quan không nhận đủ oxy và dinh dưỡng dẫn đến thiếu năng lượng, một số người cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đôi khi còn bị khó thở, đau nhức cơ bắp…

Cũng có một vài nguyên nhân khác gây mệt mỏi, chẳng hạn như do dùng quá nhiều rượu bia, caffeine, lười vận động, ngủ kém, ăn uống không lành mạnh, tâm lý bất ổn, trầm cảm.

5. Hệ Miễn Dịch Kém Và Vết Thương Hở Lâu Lành

Tuần hoàn kém sẽ tác động trực tiếp lên hệ miễn dịch của cơ thể, làm suy yếu hệ miễn dịch. Do máu lưu thông kém, lượng vitamin và khoáng chất cơ thể cần để chống nhiễm trùng không được vận chuyển kịp thời và đầy đủ; ảnh hưởng đến khả năng phát hiện và chống lại các mầm bệnh của cơ thể.

Với một hệ miễn dịch kém, bạn dễ bị bệnh hơn, các vết cắt, vết thương hở… mất thời gian chữa lành lâu hơn.

Để cải thiện lưu thông máu và tăng cường khả năng miễn dịch, hãy tạo thói quen tập thể dục thường xuyên. Chỉ cần 20 phút đi bộ một ngày, năm ngày mỗi tuần là đã giúp lưu thông máu được cải thiện đáng kể.

6. Suy Tĩnh Mạch

Giãn tĩnh mạch xuất hiện ở chân là một dấu hiệu cho thấy bệnh nhân mắc tuần hoàn máu kém.  Do lưu lượng máu không đủ, áp lực tích tụ khiến tĩnh mạch sưng phồng lên, xoắn lại, nổi rõ những vệt màu xanh dưới da.

Suy tĩnh mạch thường xuất hiện dưới chân khiến bệnh nhân bị đau, ngứa, nóng rát, cảm giác nặng ở chân do ứ dịch tại các tĩnh mạch.

Một số nguyên nhân khác có thể gây ra giãn tĩnh mạch bao gồm di truyền, béo phì, táo bón, thay đổi nội tiết tố, sử dụng thuốc tránh thai hoặc do bệnh nhân phải đứng quá lâu trong công việc hằng ngày. Tình trạng giãn tĩnh mạch có thể được cải thiện khi bệnh nhân đeo tất nén để tăng cường lưu thông máu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên đi khám để xác định được nguyên nhân và cách điều trị chính xác.

7. Rụng Tóc Đột Ngột

Rụng tóc không rõ nguyên nhân là dấu hiệu máu lưu thông không tốt. Khi da đầu không nhận được các chất dinh dưỡng thiết yếu, tóc dần trở lên mỏng, khô và rụng xuống với tốc độ nhanh chóng. Các chuyên gia khuyên rằng thường xuyên xoa bóp da đầu với dầu gội thích hợp sẽ hạn chế rụng tóc nhờ tăng cường lưu lượng máu đến các nang tóc.

Tuần hoàn máu kém còn khiến da khô và móng giòn do thiếu chất dinh dưỡng.

Một số nguyên nhân khác của tình trạng rụng tóc là do lão hóa, stress, hút thuốc quá nhiều, bệnh nhân suy dinh dưỡng, mất cân bằng hormone và một số bệnh lý mãn tính.

8. Rối Loạn Cương Dương

Ở nam giới, lưu thông máu kém dẫn đến giảm lưu lượng máu về cơ quan sinh dục – nguyên nhân gây rối loạn cương dương. Không chỉ ảnh hưởng đến chức năng “giường chiếu” của nam giới, rối loạn cương dương thường đi kèm với bệnh vữa xơ động mạch. Do đó, nam giới mắc rối loạn cương dương ngoài việc phải cải thiện chức năng tuần hoàn máu còn phải đi khám bác sỹ tim mạch để phòng ngừa bệnh tim.

9. Da Xanh Xao, Tím Tái

Nếu da hoặc đôi môi của bạn bị nhợt nhạt hoặc xanh tái thì đó là biểu hiện rõ nhất của tình trạng thiếu máu, thiếu oxy trầm trọng hoặc tuần hoàn máu kém. Da xung quanh mắt, nướu răng, móng tay, móng chân cũng trở nên nhợt nhạt. Da xanh, tím tái ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim bẩm sinh, vậy nên cần đến gặp bác sỹ để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.

10. Đau Thắt Ngực

Trái tim chịu trách nhiệm bơm máu đi khắp cơ thể nhưng chính trái tim cũng cần có một lượng máu dồi dào để duy trì hoạt động liên tục của mình. Nếu lượng máu này đến tim bị suy giảm vì bất kỳ nguyên nhân gì, bệnh nhân có thể bị đau tim, đau thắt ngực, thậm chí là nhồi máu cơ tim.

Cảm giác co thắt này thường xuất hiện rồi biến mất ngẫu nhiên. Trong y học, nó được gọi là cơn đau thắt ngực (agina pectoris) hay cơn đau tim. Đau thắt ngực cũng có thể là một triệu chứng của xơ vữa động mạch.

Tuy nhiên, đau thắt ngực cũng có thể là triệu chứng của chuột rút cơ, chứng ợ nóng, ợ chua, nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm loét dạ dày và chứng khó tiêu.

Nếu bạn bị đau thắt ngực, hãy đi khám bác sỹ ngay để ngăn ngừa một căn bệnh tiềm tàng chết người.

Lời khuyên để cải thiện và tăng cường lưu thông máu:

  • Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế stress vì stress có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
  • Nhỏ một vài giọt dầu hương thảo vào ½ tách dầu olive ấm và massage cơ thể nhẹ nhàng, đặc biệt là tay và chân.
  • Thử các thủy liệu pháp khác nhau (xen kẽ điều trị nóng lạnh) để thúc đẩy tuần hoàn máu.
  • Tư thế cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu; hãy luôn giữ sống lưng thẳng kể cả khi đang ngồi hay đang đi bộ.
  • Hạn chế uống cà phê và thay bằng trà xanh.
  • Đừng uống quá nhiều rượu.
  • Bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
  • Thêm các loại hạt, ớt, tiêu, hành, tỏi, gừng vào chế độ ăn uống để kích thích tuần hoàn máu.
  • Đầu tư vào một đôi giày rộng rãi để không cản trở lưu thông máu xuống bàn chân.
Theo phunugiadinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ