(GD&TĐ)- Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác học, sinh viên - Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã nhận được báo cáo của 180 trường đại học, cao đẳng về số sinh viên phải nghỉ học do không có khả năng đóng học phí và đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
CT vay vốn tín dụng HSSV giúp những SV nghèo có cơ hội đến giảng đường |
Theo đó, số sinh viên này là 1.163 em (556 sinh viên học hệ đại học và 607 sinh viên học hệ cao đẳng), chiếm tỉ lệ khoảng 0,12% trên tổng số sinh viên của các trường đã có báo cáo.
Cũng theo ông Ngũ Duy Anh, theo báo cáo của UBND 20 tỉnh, thành phố, trong năm học 2010-2011, có tổng số 46 học sinh đã thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học nhưng không đi học vì khó khăn về kinh tế; tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Đắk Lắk (10 học sinh), Vĩnh Phúc (9 học sinh), Hà Giang (8 học sinh), KonTum (4 học sinh), Hậu Giang (4 học sinh),…
Như vậy, so với tổng số sinh viên đang học đại học, cao đẳng trong cả nước thì số lượng sinh viên phải bỏ học là không nhiều, chiếm tỉ lệ khoảng 0,12%.
Ngoài một số sinh viên thực sự khó khăn về kinh tế không thể tiếp tục theo học thì còn một số sinh viên đã vào học nhưng do không đúng nguyện vọng ban đầu nên lấy lý do khó khăn về kinh tế để xin nghỉ học và ôn thi tiếp vào trường khác.
Số lượng sinh viên phải bỏ học tập trung ở một số trường đóng trên các địa bàn còn khó khăn về kinh tế và một số thành phố lớn. Cụ thể là các tỉnh miền Trung (424 sinh viên), khu vực phía Bắc (170 sinh viên); khu vực Tây Nam bộ (103 sinh viên), Hà Nội (199 sinh viên), thành phố Hồ Chí Minh (221 sinh viên).
10 địa phương có lượng sinh viên bỏ học lớn là: Bình Thuận (68 sinh viên), Quảng Trị (62 sinh viên); Hà Nội (61 sinh viên), Bình Định (59 sinh viên), Thừa Thiên – Huế (53 sinh viên), Thanh Hóa (39 sinh viên), Nam Định (38 sinh viên), Bắc Giang (36 sinh viên), Kiên Giang (36 sinh viên), Hà Tĩnh (28 sinh viên).
Thời điểm sinh viên bỏ học tập trung vào các sinh viên đang học năm thứ 1 hoặc năm thứ 2 (1.029 sinh viên, tương đương 88% tổng số sinh viên bỏ học).
Thống kê, rà soát số lượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học là một trong những hoạt động của Bộ GD&ĐT thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ (Công điện 474/CĐ-TTg ngày 10/4/2012) chỉ đạo việc hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn học đại học, cao đẳng.
Tại công điện này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “không để trường hợp học sinh, sinh viên nào phải bỏ học, thôi học vì lý do không có khả năng đóng học phí và bảo đảm cuộc sống tối thiểu”.
Ông Ngũ Duy Anh cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sinh viên bỏ học như: yêu cầu công khai mức học phí khi thông báo tuyển sinh, giữ ổn định mức học phí trong toàn khóa học; cho phép học sinh, sinh viên giãn nộp học phí hoặc nộp học phí lẻ theo từng tháng; hỗ trợ học sinh, sinh viên chỗ ở nội trú; hỗ trợ hoạt động của các căng – tin, nhà ăn tập thể trong nhà trường để phục vụ học sinh, sinh viên với giá rẻ so với thị trường; thực hiện việc ký giấy xác nhận và tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh, sinh viên có thể hoàn thiện các thủ tục vay vốn từ Ngân hàng chính sách hoặc hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp hoặc cán bộ giảng viên, cựu sinh viên của nhà trường xây dựng các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó để kịp thời hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc khó khăn đột xuất; thành lập các Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng...
Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý và có hình thức hỗ trợ học sinh, sinh viên ở ngoại trú; vận động các chủ nhà trọ không tăng giá nhà trọ, không tự ý tăng giá điện, nước sinh hoạt,…rà soát, thống kê số lượng học sinh, sinh viên khó khăn về kinh tế có nguy cơ phải bỏ học để có giải pháp hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể.
Lập Phương