“Sạn” sách tham khảo: “Rào chắn” từ ngành Giáo dục

“Sạn” sách tham khảo: “Rào chắn” từ ngành Giáo dục

Các nhà sách vẫn đứng ngoài cuộc trong kiểm soát các ấn phẩm STK kém chất lượng
Các nhà sách vẫn đứng ngoài cuộc trong kiểm soát các ấn phẩm STK kém chất lượng

(GD&TĐ) - Trong quy định quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền quản lý trực tiếp việc phát hành, in ấn, xuất bản những tài liệu liên quan đến giáo dục ngoài thị trường. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, Bộ GD&ĐT đã chủ động dựng hàng rào “chặn” các tài liệu tham khảo không phù hợp, không đảm bảo yêu cầu vào các nhà trường bằng nhiều văn bản chỉ đạo chặt chẽ. 

Cho đến nay, những quy định tại các văn bản này đang được các nhà trường nghiêm túc thực hiện và là “rào chắn” vững chắc ngăn chặn STK kém chất lượng vào trường học.

Những loại sách Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành

Từ năm 2008, khi thị trường sách tham khảo bắt đầu sôi động, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ra công văn số 6631/BGDĐT-GDTrH về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) phổ thông và tài liệu giảng dạy, học tập. 

Để phù hợp hơn nữa với tình hình hiện nay, tiếp tục tăng cường công tác quản lý sử dụng sách, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập trong trường phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục, tháng 4/2013, Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH về sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông. 

Theo công văn này, chỉ 2 loại sách do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành là SGK và sách giáo viên (SGV). 

SGK là tài liệu chính để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và là tài liệu chính để học sinh học tập. 

Riêng đối với 8 môn học phân hóa (Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ) cấp THPT, có loại SGK biên soạn theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Cùng SGK còn có tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao do Bộ GD&ĐT ban hành dùng cho giáo viên và học sinh. 

Môn học ở mỗi lớp có một loại sách giáo viên (SGV). Riêng 8 môn học phân hóa cấp THPT có 2 loại SGV. 

Một số môn học ở cấp tiểu học và môn Thể dục, Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở cấp THCS, cấp THPT, Bộ GD&ĐT không ban hành SGK mà chỉ ban hành SGV.

Ngoài những đầu sách trên còn có sách bài tập (SBT) do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo SGK, được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành. Giáo viên có thể tham khảo SBT sau khi đã xem xét sự phù hợp của nội dung bài tập với nội dung bài dạy. Học sinh cũng có thể tham khảo SBT để củng cố, mở rộng kiến thức, kỹ năng đã được học trên lớp.

Sách tham khảo được quy định tại văn bản này là các nguồn tài liệu (cả kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng) có nội dung liên quan đến một số môn học, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông do giáo viên và học sinh tự lựa chọn để tham khảo trong giảng dạy, học tập. 

Giáo viên có thể sử dụng STK để hỗ trợ thiết kế bài dạy, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu khoa học… Học sinh có thể sử dụng STK để củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; hỗ trợ việc tự học, tự đánh giá bản thân; nghiên cứu khoa học;…

Tuy nhiên, nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa STK và SGK, giáo viên và học sinh phải lấy SGK làm căn cứ để giảng dạy, học tập.

v
Ngành giáo dục luôn có các quy định cụ thể trong việc sử dụng STK tại các cơ sở giáo dục

Quy định rõ trách nhiệm 

Trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục các cấp đối với việc sử dụng SGK, sách giáo viên, sách bài tập, tài liệu giáo dục địa phương và STK khác cũng được quy định rõ tại công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT

Theo đó, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đối với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên, thông báo đến các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn nếu phát hiện sách có sai sót ảnh hưởng đến dạy học và giáo dục; các loại sách không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; sách có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng sách và tài liệu tham khảo theo quy định.  

Công văn nhấn mạnh: Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm về danh mục STK lưu hành trong nhà trường; tuyệt đối không được lưu hành, sử dụng sách có nội dung không lành mạnh và sách có biểu hiện vi phạm pháp luật trong nhà trường; không được sử dụng sách có nội dung không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông.

Cho đến nay, những quy định tại văn bản này đang được các nhà trường nghiêm túc thực hiện và là “rào chắn” vững chắc ngăn chặn STK kém chất lượng vào trường học.

Tiếp tục siết chặt quản lý trước những “biến tướng” của sách tham khảo

Tiếp tục nâng cao tính pháp lý của quy định sử dụng STK trong nhà trường, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương hoàn thiện để ban hành Thông tư Quy định về sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Dự thảo Thông tư đã được công bố rộng rãi để xin ý kiến công luận.

Dự thảo này quy định rõ yêu cầu, quy trình lựa chọn đối với STK; trách nhiệm, quyền hạn của giáo viên và học sinh, học viên; trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục, của các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT... 

STK phải phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục và SGK do Bộ GD&ĐT ban hành; đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm và tính thẩm mỹ; đảm bảo việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và chủ quyền quốc gia; phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của đối tượng sử dụng; phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lí và thuần phong mĩ tục Việt Nam; không vi phạm các quy định của pháp luật.

Danh mục STK sẽ do tổ chuyên môn lựa chọn, đề xuất. Trên cơ sở đó, thủ trưởng các cơ sở giáo dục thành lập Hội đồng lựa chọn danh mục STK để lưu hành. 

Là người phê duyệt danh mục STK, thủ trưởng các cơ sở giáo dục cũng chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy định chi tiết về lựa chọn STK và chịu trách nhiệm về danh mục STK lưu hành trong đơn vị mình; chấm dứt sử dụng và kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện STK kém chất lượng.

Với các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, ngoài trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở giáo dục trên địa bàn về thực hiện nội dung này, còn phải báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý cấp trên và thông báo đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn về các trường hợp STK sai sót ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, không phù hợp với chương trình giáo dục và có dấu hiệu vi phạm pháp luật...

Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học không đúng quy định; phạt từ 15 - 30 triệu đồng đối với hành vi mua sắm, tiếp nhận sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung không phù hợp, xuyên tạc, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Chỉ 2 loại sách do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành là sách giáo khoa và sách giáo viên. Ngoài ra, còn có sách bài tập do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.

Hải Bình

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ