Ơn thầy cưu mang, mơ thành cô giáo

Ơn thầy cưu mang, mơ thành cô giáo
 
Cô giáo Pờ Cố Vư
Cô giáo Pờ Cố Vư

(GD&TĐ) - Sinh ra trong gia đình Sila nghèo khó, cả gia đình có ba chị em, chỉ mỗi mình Pờ Cố Vư được cắp sách đến trường. Cũng giống như rất nhiều gia đình dân tộc Sila ở xã Chung Chải (Mường Nhé, Điện Biên) gia đình Vư rất nghèo.

Bởi vậy mà những ngày đầu đi học không dễ dàng gì. Cha mẹ đâu có muốn cho Vư đi học. Họ nói, thà ở nhà theo lên nương, lên rẫy còn có cái ăn. Đi học, đâu có đem chữ ra mà ăn được.

Dệt ước mơ 

Nhưng hình ảnh cô giáo mặc áo trắng tha thướt, hiền từ mà Vư gặp ở bản gần nhà có sức cuốn hút ghê gớm.

Nhiều khi trong giấc mơ, Vư thấy mình cầm phấn, nắn nót từng nét chữ trên bảng đen và phía dưới, những ánh mắt đen láy thơ ngây nhìn háo hức. Hình ảnh đó khiến Vư nuôi ước mơ trở thành cô giáo.

Quyết tâm đến trường, Vư nhiều lần phải nhịn ăn, nhịn uống cả ngày; có khi khóc khô nước mắt để được cha mẹ đồng ý cho đi học. Trong thời gian đó, người đã giúp đỡ Vư rất nhiều chính là thầy giáo dạy lớp 5.

“Có đợt tôi nghỉ học cả tuần. Thầy lo lắng lắm nên đến tận nhà hỏi han, thuyết phục cha mẹ cho tôi trở lại lớp học. Biết gia đình tôi quá khó khăn, thầy xin cha mẹ cho tôi về ở cùng, trong khi thầy vẫn phải lo cho vợ, cho con.

Sợ tôi ngại, thầy nói, về nhà ngoài giờ học trông em cho thầy. Nhờ thầy mà tôi không chỉ được đều đặn đến trường mỗi ngày, còn được ăn no, mặc ấm. Vợ thầy cũng là cô giáo và thực sự coi tôi như con gái trong nhà. Tôi thật may mắn và biết ơn thầy cô vô cùng.” - Pờ Cố Vư kể lại.   

Ơn người thầy cưu mang, ước mơ trở thành cô giáo của Vư càng cháy bỏng. Học hết THPT, tưởng ước mơ đến tầm tay, Vư lại bị cha mẹ bắt nghỉ phải nghỉ học. Nơi Vư ở, học đến trình độ đó đã là quá nhiều. Tiếp tục thuyết phục, kiên trì làm công tác tư tưởng, cuối cùng Vư cũng được biết đến giảng đường.

Thế nhưng, hai năm học trung cấp sư phạm, gia đình vốn đã khó khăn, cả cha và mẹ Vư lại luân phiên đau ốm. Không có hậu phương giúp đỡ, cô gái trẻ nhiều khi tưởng như không thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ. Những lúc đó, Vư lại nhớ đến lời thầy: “Con đường thầy cô đang đi tuy không ít khó khăn, vất vả, nhưng được mọi người kính trọng vì giúp đỡ được rất nhiều người. Đó là một nghề cao quý!”.

Tiếp tục chiếm lĩnh tri thức 

Giờ đây, Vư đã là một cô giáo Trường Tiểu học Chung Chải (xã Chung Chải, Mường Nhé, Điện Biên), được bố trí dạy học ngay tại điểm trường, trung tâm bản Sila. Cũng là cô giáo người dân tộc Sila đầu tiên của vùng đất này. Đã qua những ngày đầu cảm động, hồi hộp, run run đứng trên bục giảng; giờ đây, Vư ý thức rất rõ trách nhiệm đối với mỗi học sinh của mình.

Không chỉ đơn giản là truyền đạt tri thức, Vư mong muốn mình sẽ là tấm gương để các học sinh dân tộc, trong đó có học sinh Sila tự tin mình hoàn toàn có thể chiếm lĩnh tri thức ở bậc học cao và thành người có ích.

“Nhưng người Sila còn nghèo lắm, nhận thức cũng còn rất hạn chế. Ví thế nên đâu có nhiều người học lên cao. Số ít học lên trung cấp thì không xin được việc. Điều đó càng khiến cho các bậc cha mẹ chưa thực sự hào hứng cho các con theo con đường học vấn” – Cô Vư trăn trở. 

Cuộc sống vẫn nhiều vất vả nhưng chính sự lựa chọn nghề nghiệp từ niềm đam mê đã giúp cô Vư ngày càng thêm yêu nghề. Giờ đây, mỗi sáng cô Vư dậy từ rất sớm làm việc nhà, đun nấu, cho lợn, gà ăn, ra vườn tưới rau rồi mới lên lớp.

Công việc dạy học vất vả, phải nắn từng nét chữ, sửa từng lời ăn tiếng nói vì các em còn nhỏ tuổi, tiếp thu kiến thức còn chậm. Không chỉ thế, ngoài dạy còn phải chăm sóc, vỗ về.

Thế nhưng, chỉ cần nhìn thấy gương mặt mỗi học sinh sáng nên khi kéo tròn nét chữ, hay làm đúng con tính, mọi mệt mỏi đều tan biến.

Tâm sự về nguyện vọng, ước mơ hiện tại, cô Pờ Cố Vư cho biết mình mong mỏi sẽ truyền đạt được tất cả những kiến thức mình có được cho các em học sinh, trong đó có những học sinh dân tộc Sila. Mong rằng, người Sila nào cũng yêu thích đến trường, cũng nhận thức được con chữ quan trọng với cuộc sống đến mức nào.

Cô giáo trẻ chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm sẽ quyết tâm hoàn thành tốt mọi công việc được trường giao phó. Đồng thời tìm cơ hội để tiếp tục được học lên cao hơn nữa, làm gương cho dân tộc tôi.

Là người con của dân tộc Sila, được cùng ăn, cùng ở, tôi sẽ tận dụng mọi điều kiện thuận lợi của mình để tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Sila hiểu chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tầm quan trọng của việc được đến trường học chữ.

Tôi cũng rất lo lắng khi biết trẻ em dân tộc Sila ngày càng ít đi do hủ tục kết hôn cận huyết. Tôi sẽ cố gắng làm việc tốt, để với hiểu biết cũng như uy tín của mình sẽ giúp đỡ được nhiều nhất cho dân tộc Sila”.

Cô giáo Pờ Cố Vư thực sự là một người mê nghề và rất thương yêu học trò. Chưa dám nói đến kinh nghiệm giảng dạy vì cô còn quá trẻ lại cũng chỉ mới về trường. Nhưng với sự năng nổ, nhiệt tình, không ngại khó, không ngại khổ, cô là niềm hy vọng của Trường Tiểu học Chung Chải, là cầu nối nhà trường với cộng đồng dân tộc Sila. 

Thầy Phạm Văn Khiêm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chung Chải.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.