Lên Non Vua nhớ huyền thoại xưa

Lên Non Vua  nhớ huyền thoại xưa

Ngắm hai sông cùng một điểm

Giữa một vùng đồng bằng trù phú nổi lên một dãy núi kỳ vĩ, nơi đây sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại. Người xưa thường gọi là “Nham Biền tú khí” (khí tốt). Và ngày nay, con người đã gửi mơ ước vào từng cột gỗ, đường vân thớ đá mang dáng dấp Phật đường, một thiền viện mang tên Trúc Lâm Phượng Hoàng vẫn đều đặn sáng mõ, chiều chuông tọa lạc lưng chừng núi. Ngày cuối tuần, nhiều phật tử hoặc những nhóm, câu lạc bộ yêu thích văn hóa - thể thao thường tổ chức leo núi khám phá dãy Nham Biền với đích đến là đỉnh Non Vua ở độ cao gần 300m so với mực nước biển. Đây là đỉnh cao nhất trong dãy núi nhiều huyền thoại.

Đỉnh Non Vua có địa danh giếng Trời, còn được gọi là Thiên Huyệt, quanh năm có dòng nước trong mát tuôn chảy xuống khu vực chùa Nguyệt Nham, rồi hòa vào dòng sông Thương. Con đường từ chân núi đến Thiền viện Phượng Hoàng có những hàng thông cao vút. Một phật đường quy mô trở thành nơi tu tập, thiền tự quen thuộc của nhiều phật tử gồm: Tam quan; gác chuông, lầu trống; tòa điện chính; nhà tổ, nhà khách; nhà trưng bày; thiền đường, trai đường, thư quán… được thiết kế hài hòa với kiến trúc cảnh quan môi trường.

Dưới chân núi có khe Hang Dầu được biết đến là nơi quy tụ nguồn nước dồi dào. Người dân bản địa quan niện rằng: Dải núi Nham Biền được ví như chiếc đòn gánh, gánh hai dải bạc Nhật Đức và Nguyệt Đức (dòng sông Thương và sông Cầu). Đứng trên đỉnh núi có thể bao quát toàn bộ một vùng châu thổ trù phú mênh mông phía hạ du. Phóng tầm mắt về phía Tây là dòng sông Cầu uốn khúc quanh co, trải dài như một dải lụa trắng. Hướng về phía Đông Bắc thấy Phủ Lạng Thương và dòng sông Thương “bên đục bên trong” êm trôi chia đôi thành phố.

Trên đỉnh Non Vua còn có bàn cờ tiên bằng đá, tương truyền xưa kia có mười một nàng tiên nữ thường hay xuống núi Nham Biền ngắm cảnh đẹp và chơi cờ trên khối đá này.

Phượng hoàng vỗ cánh bay đi

Có một truyền thuyết in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ người dân trong vùng, truyện kể: Trên dãy núi Nham Biền, cây cối xanh mát, mây phủ quanh năm, sinh khí dồi dào, vốn là nơi cho muôn loài tụ hội. Ông Trời cho 100 nàng tiên xuống đắp 100 quả núi và đào 100 cái ao ở vùng đất này. Chẳng may có một nàng tiên lơ đễnh đã đào một cái ao và đắp một quả núi ở vùng khác nên chỉ còn 99 ngọn núi và 99 cái ao. 

Một ngày kia, có vị quân vương vì muốn chọn đất lập đế đô mở mang cơ nghiệp nên đã tìm về dãy núi này ngắm địa thế. Thấy nơi đây ngùn ngụt vượng khí, mây lành quấn quýt nên ngài rất ưng ý. Chợt lúc ấy, có 100 con chim phượng hoàng từ đâu bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi; riêng con chim đầu đàn vì không có chỗ đậu nên đành vỗ cánh bay đi, kéo cả đàn cùng theo. Nhìn thấy đàn chim thiêng vỗ cánh rời đi, vị quân vương thầm thở dài, dù biết là vùng đất đẹp nhưng không phải là nơi làm đế đô nên đành chọn nơi khác. Chỗ vị quân vương đứng ngắm đất ấy nay chính là ngọn cao nhất của dãy núi có tên gọi Non Vua.

Thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ

Lên Non Vua  nhớ huyền thoại xưa ảnh 1
Đình Đông Hương, nơi thờ Thái sư Trần Thủ Độ.

Một điều đặc biệt, chính vùng đất Phượng Hoàng này lại từng là thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ thời nhà Trần. Theo các nguồn tài liệu chính sử: Do có công khai sáng nên tới khi triều Trần được thiết lập, Trần Thủ Độ được vua Trần ban cho hưởng lộc ở đất Châu Lạng, thuộc lộ Lạng Giang tức vùng Bắc Giang ngày nay. 

“Đức Thánh Cáu” cũng là danh xưng mà nhân dân vùng đất Phượng Hoàng suy tôn dành tặng quan Thái sư Trần Thủ Độ nhằm tưởng nhớ tới công lao to lớn của ông đối với nhân dân trongvùng.

Câu chuyện Trần Thủ Độ diệt mãng xà trừ hại cho dân được lưu truyền nhiều đời nay tại vùng đất Phượng Hoàng. Một trong những công lao đó được lưu truyền nhiều đời nay tại làng Hương Tảo, thuộc tổng Yên Dũng, xưa thuộc lộ Bắc Giang. Tương truyền, tại làng Hương Tảo xưa, tên Nôm là Kẻ Cáu, nay là thôn Đông Hương, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có núi Nham Biền nằm ven sông Cầu, trong núi có hang sâu, ở đấy có một con mãng xà rất lớn; con quái vật này thường xuất hiện, bắt người và súc vật nên dân chúng trong vùng rất sợ hãi, không ai dám đến gần khu vực này. 

Thái sư Trần Thủ Độ vẫn quan tâm đến việc trị thủy, chống úng lụt; năm đó ông đi kiểm tra đắp đê sông Cầu, thấy có một đoạn dài ở phía Đông núi Nham Biền chưa được đắp. Hỏi ra được biết là do nạn mãng xà khiến cho không ai dám đến đó. Thái sư Trần Thủ Độ thân hành khảo sát địa bàn rồi nghĩ kế sách, ông lệnh thu mua nhiều trứng bỏ vào nơi con mãng xà khổng lồ thường đến rồi cho người bí mật theo dõi. 

Mấy hôm sau con mãng xà đã nuốt hết số trứng đó. Ông lại lệnh cho mua thêm trứng và các chất độc như thạch tín, vôi bột tán nhỏ rồi hút bớt lòng trứng, nhét các chất độc vào và được đặt ở vị trí cũ; lần này còn mãng xà lại ăn hết trứng, chẳng bao lâu nó trúng độc lăn ra chết tại chỗ.

Nhân dân trong vùng cảm kích ơn đức đó đã tạc tượng Thái sư Trần Thủ Độ và vợ là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đưa vào thờ ở đình Kẻ Cáu, tôn làm Thành hoàng làng để bốn mùa hương khói.

Hiện nay, cánh đồng làng Hương Tảo vẫn còn địa danh mang tên Vũng Rắn, Khe Rắn. Ở Nham Sơn có đình Đông Hương và đền Thanh Nhàn đều có tượng thờ vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ. Tại đình Đông Hương (Kẻ Cáu), nhân dân lấy ngày mồng 8 tháng Tư là ngày sự lệ, tế lễ và tưởng niệm vợ chồng Thái sư. Trong ngày lệ có tục “múa bông đuổi bệt” rất độc đáo, diễn lại tích đánh rắn năm xưa nhằm nêu cao công đức của Thái sư. Trong đình Kẻ Cáu còn để một cái đầu rắn ở hậu cung. Mỗi khi có hội, người dân đem ra diễn tích.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ