Diễn đàn: "Làm gì để tránh lạm thu trong giáo dục?"

Diễn đàn: "Làm gì để tránh lạm thu trong giáo dục?"

(GD&TĐ) - Bạn đọc thân mến! Năm học mới 2011 – 2012 đã bước đi những bước đầu tiên. Dư luận trong lúc này dành nhiều quan tâm cho vấn đề tiền trường. Có những nơi đã trở thành tâm điểm chú ý khi nhà trường gián tiếp thông qua Hội Cha mẹ học sinh (CMHS) thu của một học sinh từ một tới nhiều triệu đồng để trang bị máy lạnh, bảng điện tử tương tác, bàn ghế đồng bộ, đồng phục, quạt điện...hoặc chỉ làm quỹ hoạt động của Hội CMHS trong lớp.

Bên cạnh đó còn có những thông tin cũng thu hút chú ý không kém nêu lên một số địa phương tập trung đầu tư cho giáo dục, nâng hết mức hỗ trợ từ nhiều nguồn để các nhà trường đảm bảo điều kiện dạy học và hạn chế tới mức thấp nhất các khoản thu (trong quy định) và triệt tiêu các khoản lạm thu (tức thu ngoài quy định).

Cần có một cách hiểu, một hành xử đúng đắn về vấn đề tiền trường. Để góp phần vào công việc có ý nghĩa thiết thực này, Giáo dục & Thời đại online mở Diễn đàn “Làm gì để tránh lạm thu trong giáo dục?”. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến tham gia của đông đảo Bạn đọc, nhất là sự hiến kế của Bạn đọc để tránh được sự lạm thu tiền trường.

Phụ huynh và học sinh đang xem thông báo (hình chỉ có tính minh họa/Internet)
Phụ huynh và học sinh đang xem thông báo (hình chỉ có tính minh họa/Internet)

Bạn hãy hiến kế để góp phần giải quyết:

1. Mặc dù Bộ GD&ĐT (cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo) đã có nhiều quy định, quyết định thể hiện trách nhiệm cao nhất trong việc chống lạm thu, nhưng liệu có còn kẽ hở nào trong các chính sách đó tạo cho một số cá nhân và tổ chức lạm dụng để lạm thu?

Nếu có thì phải “xiết” lại bằng cách nào?

2. Thông qua các chính sách địa phương (quyết định của HĐND tỉnh/ thành phố hoặc quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo...) thì việc chống lạm thu và quản lý các khoản thu chi ngoài ngân sách ở các địa phương luôn được quan tâm. Nhưng sự quan tâm đó có sâu sát, thường xuyên không? Nếu địa phương còn để xảy ra lạm thu trong giáo dục thì xử lý thế nào?

3. Có hay không một số cán bộ quản lý giáo dục sử dụng Hội CMHS để lạm thu tiền trường? Việc quản lý quỹ Hội CMHS (nếu có) nên như thế nào? Có cần một mức trần trong việc thu quỹ Hội Cha mẹ học sinh?

4. Rất nhiều CMHS, dù có đắn đo nhưng sau đó phải thực hiện theo các quyết định do Hội CMHS của lớp con em mình về khoản  đóng góp quỹ Hội. Các bậc CMHS có suy nghĩ gì về việc đóng góp này? Họ cần tỏ thái độ thế nào trước các khoản thu quá cao so với thu nhập của mình?

5. Đối với hệ thống trường quốc tế, bán quốc tế hoặc các trường tư thục ngoài công lập thì sự đóng góp của CMHS nên hiểu như thế nào? Là học phí thì phải quy định bao nhiêu cho đủ? Là đóng góp ngoài học phí thì gọi là khoản thu nào? Chế tài nào để đánh giá đúng chất lượng GD phù hợp (tương ứng) với học phí và các khoản đóng góp khác (nếu có)  trong hệ thống trường này?

Rất mong nhận được sự tham gia của các bạn đọc gần xa cho những nội dung trọng yếu trên và những nội dung khác liên quan đến vấn đề tiền trường.

Xin trân trọng cảm ơn!

Giáo dục & Thời đại Online

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).